Từ ngày 9-12/6, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ diễn ra Phiên chợ các sản phẩm thủy sản năm 2020 tại Hà Nội, trong đó có sự kiện "Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra", diễn ra vào 15h ngày 9/6.
Với nỗ lực đưa cá tra đến với người tiêu dùng nội địa, 3 năm qua, ông Lê Văn Việt, Giám đốc HTX Sản xuất và thương mại Xuyên Việt (Gia Lộc, Hải Dương) đã đưa cá tra từ Nam ra Bắc gây nuôi để bán cá tra tươi sống vào các chợ đầu mối và cá tra cắt khúc, cá tra nguyên con dạng ướp lạnh tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận.
"Thực ra cá tra có thể nuôi và bán ở thị trường nội địa được. Giống như cá rô phi ngày xưa không mấy người ăn, nhưng bây giờ ăn rất nhiều. Con cá tra có lợi thế hơn khi sử dụng linh hoạt, đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ và người già về mặt dinh dưỡng cũng như chất lượng để chúng ta làm thương hiệu ở trong nước" – ông Việt chia sẻ.
Theo ông Việt, với thói quen dùng cá tươi sống và đặc biệt người dân ở miền Bắc chưa quan tâm và ít sử dụng cá tra, nên ông đã quyết định đưa cá tra ra Hải Dương nuôi. Cá nuôi phát triển bình thường, chỉ đến mùa đông thì cá chậm lớn hơn. Hiện tại, ông đang duy trì sản lượng cá tra khoảng 100-200 tấn.
"Mới đầu mọi người không quan tâm nhiều và ít sử dụng. Khi tôi đưa cá vào thị trường, rồi các siêu thị thì phản ứng của người tiêu dùng đối với cá tra tốt dần lên, sản lượng tiêu thụ đẩy lên. Tính trung bình tất cả hệ thống tiêu thụ ở thị trường Hà Nội, 1 tháng có thể tiêu thụ 300-500 tấn cá tra" – ông Việt nói.
Theo Bộ NNPTNT, trong năm 2019 và đặc biệt là những tháng đầu năm 2020, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi sản lượng nuôi cá tra tăng nhanh từ năm 2018 dẫn đến dư nguồn cung, khiến giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh từ cuối tháng 3/2019 đến nay.
Đặc biệt, theo VASEP, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành thủy sản, khiến xuất khẩu thủy sản liên tục sụt giảm trong những tháng đầu năm. Theo đó giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm.
Từ tháng 3 dịch Covid bùng phát ở các nước EU và Mỹ khiến xuất khẩu sang những thị trường này bị đình trệ. Đến tháng 5, xuất khẩu cá tra đang hồi phục dần so với tháng 4, tuy nhiên so với cùng kỳ ngoái vẫn thấp hơn 15% và kết quả sau 5 tháng ước đạt gần 600 triệu USD, giảm 24%.
Trước tình hình này, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, theo kế hoạch tổ chức các sự kiện, hội chợ kết nối cung – cầu, tiêu thụ thủy sản hàng năm của Bộ NNPTNT, từ ngày 9-12/6, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, số 489 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ diễn ra Phiên chợ các sản phẩm thủy sản năm 2020 tại Hà Nội, trong đó có sự kiện "Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra", diễn ra vào 15h ngày 9/6.
Đây là cơ hội để cho các mặt hàng thủy sản của Việt Nam được giới thiệu đến người tiêu dùng và đặc biệt là người tiêu dùng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. "Ngay sau khi giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đã hết, để đảm bảo chỉ đạo của Thủ tướng về duy trì phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn đáp ứng được tăng trưởng, Bộ NNPTNT trực tiếp Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã làm việc với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam để bàn giải pháp duy trì ổn định sản xuất và tăng cường thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu" – ông Luân khẳng định.
Theo ông Luân, mục tiêu Bộ tổ chức sự kiện "Kết nối sản xuất – tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra" là để các các nhà sản xuất, xuất khẩu cá tra chính hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có cơ hội để giới thiệu hàng trăm các sản phẩm chế biến từ con cá tra hiện nay đến người tiêu dùng ở khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Dự kiến, trong dịp này sẽ có những ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Sao Mai với Central Group, Vinmart với Tập đoàn Nam Việt; Công ty Hùng Cá với Công ty Thương mại Hapro; hợp tác tiêu thụ cá tra giữa HTX Sản xuất và thương mại Xuyên Việt với Tập đoàn Central Group; Ký kết giữa Công ty TNHH Hùng Cá và Hiệp hội nông nghiệp Bắc Ninh để đưa cá tra vào các KCN.
"Thông qua lễ ký kết này, chúng tôi hy vọng có những doanh nghiệp cùng với các cơ sở tiêu thụ chính ở phía Bắc, như Hapro, hệ thống Vinmart của Tập đoàn Masan, Central Group, những đơn vị hiện nay đang duy trì hệ thống siêu thị lớn trên cả nước, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để đưa các mặt hàng cá tra của chúng ta vào trong hệ thống siêu thị này.
Bên cạnh đó, chúng tôi có tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra ở ĐBSCL trực tiếp kết nối với các KCN ở các tỉnh phía Bắc để giới thiệu và đưa sản phẩm cá tra vào các KCN cũng như vào các bếp ăn trường học để thúc đẩy tiêu thụ trong nước để tất cả người Việt Nam đều được thưởng thức và tự hào về con cá tra của Việt Nam" – ông Luân chia sẻ.
Hiện nay, nói đến cá tra, giờ không chỉ là giá trị dinh dưỡng đơn thuần của miếng cá tra phile nữa, mà hiện đang có nhiều sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, ví dụ cá giả lươn, cá tẩm bột, xúc xích…, tức là có rất nhiều sản phẩm từ cá tra đã được chế biến. Có doanh nghiệp chế biến hơn 50 sản phẩm; còn tính chung từ con cá tra đã làm ra khoảng 85 sản phẩm.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng, về mặt dinh dưỡng, cá tra là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe với hàm lượng đạm và các loại dinh dưỡng, đặc biệt cá tra có Omega 3. Đặc biệt, giá bán các sản phẩm cá tra so với các loại thịt và cá ở mức giá rẻ. "Hàng ngon, đảm bảo dinh dưỡng, giá rẻ, có sao vướng mắc cái gì thị trường nội địa còn hạn chế? Khắc phục những hạn chế ở thị trường nội địa thì đây sẽ là kênh tiêu thụ vô cùng quan trọng và ổn định" - ông Dương Nghĩa Quốc khẳng định.