Mới đây, Bộ Tài chính đã chính thức có văn bản gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam về vấn đề này.
Tác dụng ngược
Ngay từ khi ra đời, Luật Thuế 71 được kỳ vọng sẽ góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp. Nhưng thực tế sau hơn 5 năm thực hiện, những tác động "ngược" mà dự án này mang lại khiến nhiều doanh nghiệp "than trời", bởi giảm chi phí đâu chưa thấy chỉ thấy giá thành sản phẩm tăng cao.
Cụ thể, theo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, toàn bộ số GTGT đầu vào cho sản xuất sản phẩm phân bón trong nước phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, làm giá thành sản phẩm tăng thêm 6-8% (tùy từng loại phân bón).
Chỉ trong 5 năm Luật số 71 có hiệu lực, các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã phải tăng thêm chi phí khoảng 3.646 tỷ đồng (năm 2015 là 825 tỷ đồng, năm 2016: 588,8 tỷ đồng, năm 2017: 755,5 tỷ đồng, năm 2018: 767,7 tỷ đồng, năm 2019: 709 tỷ đồng). Đó là chưa kể, thuế giá trị gia tăng không được tính vào tổng mức đầu tư, tăng nguyên giá tài sản cố định, trong 4 năm là 118,4 tỷ đồng.
Đơn cử như Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, thực hiện Luật số 71, mỗi năm doanh nghiệp này không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế VAT đầu vào và buộc phải đưa vào giá bán.
Trong khi đó, trong 5 năm qua, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) không được khấu trừ hơn 1.600 tỷ đồng tiền thuế khi phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT đã không giúp giảm chi phí sản xuất cho nông dân mà lại "dọn đường" cho phân bón nhập khẩu, đồng thời đẩy giá phân bón lên cao.
Bộ Công Thương nhận định, việc quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, tăng sức ép đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất.
Theo tính toán của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khi thực hiện Luật 71/2014/QH13 thì giá thành phân đạm tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5- 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so với áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón.
Trong khi đó, với chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp lại được hưởng lợi thế về thuế nhập khẩu bằng 0%, phân bón nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philipines, Nga và Trung Đông đang "đổ bộ" vào Việt Nam, tạo ra cạnh tranh khốc liệt cho sản phẩm phân bón Việt Nam. Thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71/2014/QH13 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017 đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng đạm urê tăng gần 2,5 lần.
Mong được... đánh thuế
Có vẻ ngược đời nhưng đúng là những doanh nghiệp ngành phân bón đang mong được đóng thuế GTGT. Ông Nguyễn Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP DAP2 - Vinachem cho rằng, văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ Công Thương và Hiệp hội Phân bón là một tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và trực tiếp mang lại lợi ích cho nông dân.
Theo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét vấn đề này và đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị các nội dung sửa đổi Luật thuế GTGT để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Đông mong muốn và hy vọng Chính phủ, Bộ Tài chính sớm xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, để trình các cấp có thẩm quyền.
Đó cũng là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, đặc biệt là người nông dân.
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích: Khi sản phẩm phân bón bán ra không được trừ thuế GTGT thì người ta không được trừ thuế GTGT đầu vào, vì thế giá thành sản xuất sẽ cao hơn vì người ta cộng toàn bộ giá trị thuế GTGT đầu vào. Chúng ta nhìn thấy chính sách này đang tạo ra hỗ trợ cho nhập khẩu từ nước ngoài mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp trong nước.
Theo ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, quy định thuế GTGT với phân bón vô hình chung đang khiến sản phẩm phân bón Việt Nam giảm sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu cùng loại do doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận, làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới.
Trước những bất cập do chính sách về thuế GTGT với mặt hàng phân bón mang lại, các doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Phân bón Việt Nam đều thống nhất kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức 0 - 5% như trước đây.
Mới đây, trước những kiến nghị không biết mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp ngành phân bón trong suốt 5 năm qua, ngày 28/5/2020, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam về việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón.
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5% để trình các cấp có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN:
Sẽ kiến nghị vấn đề với Thủ tướng
Cùng với các yếu tố về giống, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, phân bón đóng góp tới trên 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng. Do vậy cần có một đánh giá cụ thể về những tác động của Luật thuế 71 tới ngành phân bón trong nước, tới doanh nghiệp và nông dân như thế nào.Về những bất cập từ Luật 71, hiện Trung ương Hội NDVN đang tích cực tập hợp ý kiến của nông dân để có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong lần đối thoại với nông dân tới đây trong năm 2020.