Dân Việt

Lâm Đồng: Cho cá chài đặc sản miền Tây ở với cá chép, 2 con "chung sống hòa bình", bắt lên cả tấn

Diệp Quỳnh 09/06/2020 13:07 GMT+7
Cá chài là loại cá có giá trị kinh tế cao, sống trong tự nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cư dân đã nuôi cá chài như nhiều loài cá khác cho kết quả tốt. Và, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã mang con cá chài về nuôi xen với cá chép trên cao nguyên, với cách nuôi khá đặc thù là nuôi trong ao đất.

Ông Đặng Văn Tâm, nông dân Thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà vốn có nghề nuôi cá truyền thống. Nhờ hệ thống ao khá rộng chạy ven những chân núi Thôn 6, nhiều cư dân nơi đây gắn bó với ao cá. Ông Tâm cho biết, ao ở đây thường thả các loại cá truyền thống như cá trắm đen, trắm trắng, cá mè...

Tuy nhiên, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh có giới thiệu đến ông một loại cá mới là cá chài, đề nghị ông hợp tác nuôi thử xen cá chài và cá chép trong mô hình ao đất của gia đình. Nhận nuôi một loại cá mới, ông Tâm được Trung tâm hỗ trợ 70% kinh phí cho giống, thức ăn chăn nuôi và hướng dẫn kỹ thuật. 

Nhờ hệ thống ao được đầu tư bài bản, nước sâu, kè đá và có hệ thống nước ra - vào sạch, đàn cá chài nuôi trong ao phát triển rất tốt.

Lâm Đồng: Cho cá chài đặc sản miền Tây ở với cá chép, 2 con "chung sống hòa bình", bắt lên cả tấn - Ảnh 1.

Cá chài nuôi xen ghép với cá chép và một số loài cá khác đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông Tâm cho biết, cá chài là loại cá ăn ở tầng nước sâu. Cùng thuộc giống cá chép nên hai loại này chung sống hòa bình với nhau. Tầng mặt nước trên, ông Tâm thả nuôi cá trắm, cá mè bình thường. 

Nuôi hai tầng cá còn cho hiệu quả là cá chài tầng dưới sẽ sử dụng hết thức ăn của cá tầng trên, vừa giúp môi trường ao sạch, vừa giảm lãng phí thức ăn. Con cá chài lại là loài sống khỏe, không bệnh tật, lớn khá nhanh đúng như lời của cán bộ kỹ thuật. 

Thả nuôi từ tháng 6/2019, tới hiện tại đàn cá chài lớn rất đồng đều, trọng lượng trung bình từ 1-1,2 kg/con. Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, sau 12 tháng thả nuôi, trọng lượng cá chài đạt 1,5 kg/con là có thể bắt đầu thu hoạch. 

Nhưng ông Tâm cho biết sẽ không đánh bắt ngay mà sẽ nuôi tiếp cho cá chài thành thục. 

Ông Tâm chia sẻ: “Theo kinh nghiệm bản thân tôi, nuôi cá nào cũng phải đạt thời gian từ 18 tháng đến 2 năm trọng lượng mới to, thịt cá mới chắc, ngon. Bầy cá chài này tôi cũng sẽ nuôi thời gian lâu hơn để cung cấp cho thị trường những con cá chất lượng”.

Hộ ông Nguyễn Văn Tuyên cũng thuộc Thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) thả nuôi 1.700 cá chài và 700 cá chép giống. Ông tuân thủ mọi hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và sau 10 tháng thả cá, hiện trọng lượng cá chép tầm xấp xỉ 1 kg/con, cá chài tầm 1,2 kg/con. 

Ông Tuyên đánh giá, hai con cá này nuôi với nhau khá hợp, không ảnh hưởng tới môi trường sống từng loài. Không riêng cá chép, cá chài có thể nuôi xen với cá trắm cỏ, trắm trắng hay cá mè đều cho kết quả tốt.

Kỹ sư Nguyễn Văn Thành của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, người trực tiếp thực hiện mô hình cho biết, nuôi cá chài xen cá chép trong ao đất tại hai nông hộ thuộc Thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà khá thành công. Cá lớn nhanh, khỏe, tỷ lệ hao hụt ít. 

Qua kiểm tra cho thấy, nguồn nước và các chỉ tiêu môi trường phù hợp với sự sinh trưởng của cá, cá chài rất ít bệnh tật. Cá chài là loài cá thịt ngon, được thị trường ưa chuộng với giá bán hiện tại xấp xỉ 100-110 ngàn đồng/kg. 

Cá chép cũng có giá trị kinh tế cao, thị trường ưa chuộng. Với 3.500 con cá chài và 1.500 con cá chép giống được thả, tới khi thu hoạch có thể thu được trên 3 tấn cá chài và 1 tấn cá chép thịt. 

Với giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí cho lãi xấp xỉ 200 triệu đồng, mỗi nông hộ thu lời ngót 100 triệu đồng.

Qua thực tế cho thấy, nuôi cá chài xen cá chép phù hợp với nuôi trong điều kiện ao đất tại tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm giới thiệu cho bà con học tập, hiểu và nắm rõ được kỹ thuật nuôi và áp dụng quy trình vào nuôi tại gia đình.

Với những nông hộ có ao nuôi, lựa chọn cá chài cũng là một hướng đi khả quan, tăng thêm sự lựa chọn cho nông dân trong chuyển đổi cơ cấu vật nuôi tại địa phương.