Tháng 5/2019, chị Lò Thị Hơn, dân bản Chang (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) đã cất công vào tận xã biên giới Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) để tìm hiểu và mua cây sả giống về trồng.
Sau khi mua được cây giống, chị Hơn đem về trồng trên 2 mảnh đất bỏ hoang ở gần nhà. Diện tích của cả 2 mảnh đất đó áng chừng gần 1000m2.
Theo chị Hơn, giống sả mà chị mua về trồng là sả Java. Giống sả này chịu hạn tốt, phù hợp với khí hậu và đồng đất nơi đây. Trồng sả cũng giống như trồng ngô, không cần phải làm đất hay lên luống gì cả. Chỉ cần cuốc hốc, sau đó bỏ cây sả giống vào trồng chay, tức là không cần phải bón lót.
Ngày đầu chị trồng cây sả lạ, nhiều người dân nghĩ rằng chị trồng cỏ cho bò ăn. Nhưng nhiều người hỏi, cỏ gì mà lạ thế, cỏ gì mà có thơm thế.
"Từ lúc trồng sả cho đến khi thu hoạch, tôi không bón phân hay tưới tắm gì cho vườn sả cả. Bao năm nay gắn bó với nghề nông, tôi chưa từng thấy loại cây nào lại có sức sống mãnh liệt như cây sả. Vườn sả sinh trưởng và phát triển tự nhiên, vậy mà cứ tốt bời bởi. Cắt hết lượt lá này, vườn sả lại ra lượt lá khác, cứ cách chừng 1,5 tháng tôi lại cắt 1 lần. Ngoài bỏ công trồng và thu hoạch ra, tôi không mất tí công chăm bón nào cả" – chị Hơn vui vẻ nói.
Sau khi cắt lá sả, chị Hơn cho vào nồi, đun khoảng một ngày để chưng cất tinh dầu. Với gần 1000m2 trồng sả, cứ cách 1,5 tháng chị Hơn lại chưng cất được khoảng 6 lít tinh dầu sả. Mỗi năm, chị Hơn cắt từ 5 – 6 lượt lá sả để chưng cất tinh dầu, bán ra thị trường.
"Sau mỗi lần chưng cất tinh dầu sả, thương lái đến tận nhà tôi để mua. Tôi không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm tinh dầu sả của gia đình. Với giá bán khoảng 400.000 đồng/lít tinh dầu sả, mỗi năm tôi cũng kiếm được hơn chục triệu đồng mà không phải vất vả" – chị Hơn chia sẻ.