Trăn trở với nông nghiệp sạch
Bản thân là cán bộ nông nghiệp, hiện công tác tại Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp huyện Lục Yên, đã tốt nghiệp Đại học và học thạc sĩ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyên ngành bảo vệ thực vật, Lục Vân Anh luôn trăn trở suy nghĩ tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, phát triển theo hướng bền vững.
Hiện, tôi đang chuẩn bị hoàn thiện các thủ tục công nhận sản xuất rau an toàn theo VietGAP. Với hơn 2.000m2 nhà màng, tôi đang dần chuyển sang trồng dưa lưới Hàn Quốc và tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng rau an toàn trong nhà lưới.
Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục cải tạo diện tích vườn hơn 2ha của gia đình để xây dựng chăn nuôi gà và đào ao thả cá để tạo một vòng tuần hoàn khép kín trong sản xuất nông nghiệp"…
Anh Lục Vân Anh
Đầu năm 2018, được sự ủng hộ của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư 2.100m2 nhà lưới để trồng rau an toàn trên diện tích vườn nhà của gia đình.
Theo anh Vân Anh, rau được trồng trong nhà lưới không chỉ giúp người trồng tiết kiệm được chi phí đầu tư mà năng suất còn cao hơn so với cách làm thông thường.
Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào gieo trồng, anh nhận thấy, tuy trồng rau màu trong nhà lưới khắc phục được nhiều nhược điểm của cách làm truyền thống như hạn chế được sâu bệnh hại, kiểm soát tốt các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, đem lại nông sản sạch cho người sử dụng nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, chưa chủ động được sản xuất.
Sau khi tính toán kỹ, đầu năm 2019, anh quyết định cải tạo toàn bộ diện tích nhà lưới thành nhà màng gồm khung thép, mái lợp màng nylon nhập từ Israel và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp tránh được những thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra, với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng.
Với ưu điểm nổi trội của sản xuất rau trong nhà màng là thời gian từ trồng đến khi thu hoạch nhanh hơn bên ngoài và có thể sản xuất liên tục không kể mùa mưa hay mùa nắng nên thuận lợi cho việc trồng rau trái vụ.
Để đảm bảo điều kiện cho cây trồng trong nhà màng sinh trưởng và phát triển tốt, anh tiến hành lắp đặt hệ thống quạt gió và điện chiếu sáng trong nhà màng.
Anh Vân Anh chia sẻ: "Trồng rau an toàn không quá khó, muốn sản xuất được cần phải siêng năng, tuân thủ theo quy trình sản xuất, có sổ ghi chép lịch thời vụ. Mọi thứ từ nhà màng, giống cây trồng, phân bón, đến đường ống dẫn nước tưới... đều được sử dụng hướng dẫn làm đúng quy trình, phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trồng rau, đảm bảo sản phẩm thu hoạch phải sạch, an toàn. Để rau trồng đảm bảo tiêu chí an toàn thì khâu làm đất là quan trọng nhất; giữa các vụ, đất phải được nghỉ để tránh các mầm bệnh còn ủ dưới lòng đất, không ảnh hưởng đến vụ sau".
Bảo vệ môi trường cho nông sản sạch
Trong quá trình sản xuất, anh thấy các hộ trên địa bàn thị trấn và lân cận đều có lượng phế phẩm nông nghiệp rất lớn chưa được khai thác hiệu quả để làm phân bón. Để tạo ra những sản phẩm nông sản an toàn, anh tận dụng thu mua chất thải chăn nuôi của các hộ tại địa phương, sử dụng phân vi sinh để ủ thành phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng mà không sử dụng phân hóa học. Với cách làm này, không chỉ giúp tăng năng suất cho cây trồng, góp phần cải thiện tình trạng đất mà còn hạn chế được tình trạng sâu bệnh hại trên rau.
Không chỉ vậy, anh luôn lựa chọn những giống rau, màu có năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn và ít sâu bệnh.
Anh Vân Anh cho biết thêm: So với canh tác thông thường, rau trong nhà màng có thời gian thu hoạch ngắn hơn 5 - 7 ngày, năng suất đạt cao hơn khoảng 35%. Hơn nữa, sản xuất rau trong nhà màng còn có lợi thế là có thể dùng điện chiếu sáng để cắt rau vào sáng sớm, rau vừa đẹp, vừa đảm bảo chất lượng, giá bán cao hơn do không bị tác động của thời tiết, không bị bệnh gây hại, trồng cây nào được cây đó, quả nào được quả đó nên giá trị sản phẩm cao gấp 2 - 3 lần.
Với diện tích hơn 2.000m2 nhà màng, anh tiến hành trồng nhiều loại rau như: Su hào, bắp cải, cải ngọt, cải canh… Tính ra 1 vụ anh thu hoạch được khoảng 4 tấn rau các loại, với giá 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi được 40 triệu đồng.
Trồng rau sạch trong nhà màng là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khá mới mẻ đối với người nông dân miền núi, một phần vì chi phí đầu tư ban đầu lớn và đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao. Vì vậy, anh Vân Anh cũng như nhiều nông dân tại địa phương rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành về kỹ thuật và vốn đầu tư sản xuất để nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.