Vụ hè thu phấn khởi
Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Thành A và Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), nhiều cánh đồng xuống giống vụ lúa hè thu sớm đã bước vào những ngày đầu thu hoạch. Thay vì lo lắng không bán được lúa do ảnh hưởng bởi xuất khẩu gạo gặp khó vào tháng 3 vừa qua, thì hiện nay người dân rất phấn khởi do năng suất và giá bán lúa đạt cao.
Ông Ngô Văn Minh (ấp Trường Thọ A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A) vừa xem thương lái cân hơn 3ha lúa vừa nói: "Vụ hè thu này tôi sạ lúa OM 5451. Hiện số diện tích này chưa thu hoạch xong nhưng qua cân đợt thu hoạch khoảng 1ha ban đầu, tôi đoán năng suất đạt gần 900kg/công (1.000m2), tăng gần 200kg/công so với cùng kỳ năm trước".
Theo ông Minh, sở dĩ năng suất tăng là do vụ lúa này dịch hại ít, đặc biệt là vào giai đoạn lúa trổ bông không gặp mưa như những năm trước. Lúa ít bị bệnh lem lép hạt, theo đó chi phí đầu tư thấp. Với giá lúa tươi cân tại ruộng là 5.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Minh lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Đây được xem là mức lợi nhuận cao nhất ở vụ lúa hè thu trong gần 10 năm qua.
Ông Trần Văn Nhỏ có gần 1ha ruộng nằm cặp đất lúa của ông Minh cũng đang chờ thu hoạch. Ông Nhỏ cho biết: "Ngoài thời tiết khá thuận lợi, nguyên nhân giúp năng suất lúa tăng là nhờ bà con chăm sóc rất kỹ".
Ông Nhỏ nói, bản thân ông rất vui vì giá lúa thị trường tăng bình quân từ 300-600 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, qua đó tạo động lực cho người dân tiếp tục đầu tư sản xuất trong vụ tới.
Còn ông Nguyễn Văn Tám (ở ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy) thì cho biết, vụ hè thu này, gia đình ông trồng lúa OM 5451, hiện đã thu hoạch và bán xong 0,5/2,5ha. Nếu như cùng kỳ năm trước, giá lúa chỉ ở mức 4.700 đồng/kg thì vụ này ông bán được 5.300 đồng/kg.
Được biết, vụ hè thu này, nông dân tỉnh Hậu Giang gieo sạ được gần 72.000ha lúa, với một số loại giống chủ lực như OM 5451, OM 18, OM 4900, RVT... Hiện bà con nông dân ở những nơi gieo sạ sớm đã thu hoạch được hơn 100ha, với năng suất lúa bình quân đạt 6,17 tấn/ha. Nhờ lúa phát triển tốt, có nhiều diện tích đang ở giai đoạn trổ chín và thu hoạch được nông dân đánh giá là khá trúng mùa.
Cũng như Hậu Giang, nông dân tỉnh Đồng Tháp, An Giang và TP.Cần Thơ đang bước vào thu hoạch lúa hè thu. Nhiều nông dân cho biết, các thương lái và doanh nghiệp đang thu mua lúa OM 5451 với giá khoảng 5.500 đồng/kg, IR 5040 từ 5.300 - 5.400 đồng/kg, OM 4900 khoảng 5.500 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 5.600 - 5.700 đồng/kg. Với giá này, cộng với năng suất lúa cao đã mang lại lợi nhuận khá cho nông dân.
Không được chủ quan
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang Trần Chí Hùng cho biết, vụ lúa hè thu này, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động lên lịch thời vụ xuống giống cụ thể cho từng vùng sinh thái nên cây lúa ít bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng nông dân chăm sóc, quản lý và phòng trừ dịch hại trên lúa ở các giai đoạn sinh trưởng nên lúa phát triển tốt.
Ông Hùng cho rằng, năng suất và giá lúa đầu vụ đang ở mức hấp dẫn sẽ là động lực lớn giúp nông dân tăng cường chăm sóc lúa, lựa chọn lúa chất lượng cao để sản xuất trong vụ tới.
Còn ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thì thông tin, vụ hè thu của tỉnh đã thu hoạch trên 43.400/187.581ha, đạt sản lượng 262.000 tấn, năng suất bình quân 6,03 tấn/ha. Để sản xuất lúa được nhiều thuận lợi hơn, theo ông Hùng, địa phương rất cần Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ dự báo sớm và chia sẻ thông tin về thị trường.
Theo Sở NNPTNT các tỉnh, thành ĐBSCL, vụ hè thu năm 2020 diễn ra trong điều kiện tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Tuy nhiên, nhờ nắm bắt tình hình và chỉ đạo sản xuất, đưa ra các giải pháp kịp thời nên những tác động bất lợi của thời tiết được hạn chế, đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Hiện nay, mặc dù đang thuận lợi về giá cả, năng suất nhưng ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL rất lo lắng cho diện tích lúa thu hoạch trong thời gian tới bởi khu vực này đang bước vào mùa mưa bão. Ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai các giải pháp bảo vệ diện tích lúa trong giai đoạn chín, cụ thể là kiểm tra cống thoát nước, khuyến cáo nông dân chuẩn bị máy móc, thiết bị đề phòng khi có trường hợp ngập úng xảy ra.
Theo thống kê, đến thời điểm này nông dân Cần Thơ đã thu hoạch được 33.700/75.300ha.