Hôm 9/6/2020, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phải phát đi cảnh báo về chất lượng không khí tại một số tỉnh miền Bắc suy giảm vào ban đêm, hàm lượng bụi mịn tăng cao đột biến, mà một trong những nguyên nhân chính gây ra là do hiện tượng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa.
Người ta đã nói nhiều đến việc phải coi rơm là tài nguyên nhưng dường như mục tiêu này vẫn chưa trở thành hiện thực; ở nhiều nơi, việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa vẫn được xử lý nhanh gọn chỉ bằng một… que diêm.
1ha rơm rạ phát thải 9,1 tấn C02
Từ năm 2019, nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thực hiện khảo sát tình hình đốt rơm rạ trên địa bàn TP.Hà Nội trong 2 vụ xuân và vụ mùa. Theo PGS Hoàng Anh Lê - giảng viên Khoa Môi trường, trưởng nhóm nghiên cứu, có khoảng 34 - 35% lượng rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch trên địa bàn TP.Hà Nội bị đốt, gây ra những tác hại khủng khiếp đối với môi trường.
Thực tế, khi đốt đồng, các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ biến thành chất vô cơ nên tro than của rơm rạ chỉ cung cấp được một lượng dinh dưỡng rất nhỏ cho đồng ruộng. Trong khi việc nung đốt ở nhiệt độ cao sẽ làm cho một lượng nước lớn trong đất bị bốc hơi. Nếu đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất, trở nên chai cứng.
Một tác hại khác của đốt đồng là gây ô nhiễm môi trường. Bởi lẽ khi đốt rơm rạ, không chỉ có khí CO2 (dioxid cacbon) thải vào không khí, mà các khí độc khác như CH4 (metan), khí CO (cacbon monoxid) và một ít khí SO2 (dioxid sunfur) cũng thải vào.
"Theo ước tính của các nhà chuyên môn, đốt 1ha (trung bình 7 tấn rơm rạ) sẽ phát thải 9,1 tấn CO2; 798kg khí CO; 398kg các chất hữu cơ độc hại và 12kg tro bụi" - PGS Hoàng Anh Lê nêu những con số đáng phải suy ngẫm.
Đó là chưa kể, thành phần chủ yếu của rơm rạ là chất xenlulozơ, hemixenlulozơ và các chất hữu cơ kết dính... khi đốt cháy sẽ tạo ra các loại khí độc, con người hít vào sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sẽ dễ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, gây co thắt phế quản và không loại trừ nguy cơ gây ung thư phổi, nhất là trẻ em; khói do đốt rơm rạ là che khuất tầm nhìn là tác nhân gây tai nạn giao thông...
Bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại vào 20 - 22 giờ hàng ngày. Tùy thuộc vào từng khu vực, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có sự khác nhau, tuy nhiên xu hướng chung là sự gia tăng hàm lượng PM2.5 vào ban đêm.
Cũng theo PGS Hoàng Anh Lê, đốt đồng là một sự lãng phí rất lớn. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), trong 1 tấn rơm chứa 5-8kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg carbon. Do vậy, đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây lúa.
Việc đốt đồng còn tiêu diệt các loại côn trùng có ích, góp phần làm mất cân bằng sinh thái ruộng lúa - một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu bệnh trên đồng ruộng, buộc bà con nông dân phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ, khiến chi phí sản xuất lúa cao.
Nhiều hiểm họa, lãng phí là vậy nhưng dường như lựa chọn duy nhất để xử lý rơm rạ của đa phần nông dân miền Bắc sau mỗi vụ thu hoạch lúa là... đốt. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, mỗi năm thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và lượng lớn trong số đó được đốt trên đồng. Từ năm 2017, Hà Nội đã triển khai kế hoạch hạn chế, tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ vào năm 2020, nhưng dường như tình hình chưa có nhiều biến chuyển.
Đây chính là lý do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội phải lập tổ công tác liên ngành kiểm tra khoảng 20 huyện, thị xã để nắm tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch của địa phương, nhằm có giải pháp xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hạn chế đốt rơm.
Cảnh báo chất lượng không khí suy giảm
Trong cảnh báo phát đi ngày 9/6, Tổng cục Môi trường nêu rõ, trong thời gian từ ngày 3/6 đến nay, chất lượng không khí tại một số tỉnh miền Bắc có xu hướng suy giảm vào ban đêm, một trong những nguyên nhân chính là hiện tượng đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến.
Tại khu vực nông thôn, sau một ngày phơi nắng, rơm rạ thường được đốt vào buổi tối, vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18 giờ và đạt giá trị cực đại vào 20 - 22 giờ hàng ngày. Tùy thuộc vào từng khu vực, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có sự khác nhau, tuy nhiên xu hướng chung là sự gia tăng hàm lượng PM2.5 vào ban đêm.
Ông Lê Hoài Nam - Vụ trưởng Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa ra quy định phải tái chế, sản xuất phụ phẩm nông nghiệp thành đồ dùng có ích và cấm đốt phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Theo PGS - TS Hoàng Thị Thu Hương - Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Nhà nước cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu sử dụng rơm rạ vào những việc hữu ích hơn, không gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, tại khu vực nội thành Hà Nội, hoạt động đốt rơm rạ không diễn ra trực tiếp, tuy nhiên trong những ngày gần đây hàm lượng bụi mịn PM2.5 cũng tăng cao vào thời gian buổi tối. Thời gian hàm lượng PM2.5 cao nhất từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau, trễ hơn so với các khu vực ngoại thành.
Kết quả tính toán chỉ số AQI giờ cho thấy, vào buổi tối (từ 23 giờ đến 1 giờ ) các ngày từ ngày 3/6 đến 7/6, chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 151 - 200). Trong đêm 6/6, rạng sáng ngày 7/6, chất lượng không khí đã ở ngưỡng rất xấu (AQI từ 201 - 300).
Mặc dù hàm lượng PM2.5 khá thấp vào thời gian ban ngày, nhưng nếu tính theo trung bình ngày (trung bình 24 giờ) thì tại một số trạm như: Minh Khai, Hàng Đậu, thông số PM2.5 trung bình 24 giờ đã vượt quá so với quy chuẩn Việt Nam.
"Để giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí, người dân không nên đốt rơm rạ, mọi người cần giảm các hoạt động ngoài trời vào buổi tối" - Tổng cục Môi trường cảnh báo.
Những nguy hiểm khó lường này cho thấy, đã đến lúc ngành chức năng phải có biện pháp, chế tài mạnh với việc đốt rơm rạ bừa bãi trên đồng sau thu hoạch, đồng thời xây dựng các mô hình tái sử dụng hiệu quả, biến rơm rạ thành một tài nguyên đúng nghĩa.