Dân Việt

Tăng vốn cho Agribank: Vietcombank, Vietinbank và BIDV thì sao?

Huyền Anh 12/06/2020 12:22 GMT+7
Tại phiên họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV cho ý kiến về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành việc gấp rút tăng vốn cho Agribank. Đồng thời cũng gợi mở hướng tăng vốn cho 3 “ông lớn” còn lại là Vietcombank, Vietinbank va BIDV.

Những năm qua, việc tăng vốn cho nhóm "big 4" ngân hàng có vốn nhà nước luôn là đề tài nóng không chỉ tại các cuộc họp giữa các thành viên Chính phủ mà trên cả diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, phải đến kỳ họp này, câu chuyện tăng vốn mới thực sự mở được nút thắt.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Agribank nhận được sự nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội về sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho nhà băng này theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước.

Tăng vốn cho Agribank: Vietcombank, Vietinbank và BIDV thì sao? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội "gợi mở" hướng tăng vốn cho 3 "ông lớn" ngân hàng: Vietcombank, Vietinbank và BIDV

Tăng vốn cho Agribank, các ngân hàng còn lại thì sao?

Dù không nêu các phương án, đề xuất cụ thể hoặc xem xét cho các trường hợp Vietcombank, Vietinbank và BIDV trong chương trình họp, nhưng ý kiến từ một số đại biểu Quốc hội đã có những gợi mở nhất định.

Cụ thể, 3 ngân hàng này được xem xét tăng tỷ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội), trong hệ thống tổ chức tín dụng có 04 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, trong đó chỉ riêng Agribank là 100% vốn nhà nước. Hiện nay cả 04 ngân hàng này đều đối mặt với áp lực bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Trong số 04 ngân hàng này chỉ có Agriabank được xem xét theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước còn các ngân hàng còn lại được xem xét tăng tỷ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, về mặt chính sách cần khẳng định rõ tại thời điểm hiện nay mới chỉ xem xét bổ sung vốn điều lệ cụ thể cho một ngân hàng thương mại cụ thể và đây không phải là việc thay đổi chính sách theo hướng dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước.

Cũng theo vị đại biểu này, chỉ còn 3 tháng nữa sẽ tổng kết toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó có quy định liên quan đến chính sách đối với các ngân hàng thương mại. Như vậy, chỉ thời gian ngắn nữa, sau khi tổng kết Nghị quyết 25, hy vọng mở đường tăng vốn cho các ngân hàng trên có thể hình thành trong một nghị quyết mới.

Điều này không phải là không có cơ sở, bởi trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 10/6 về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank cũng đã đưa ra đề nghị cụ thể trong việc tăng vốn cho Vietcombank, Vietinbank và BIDV.

Cụ thể, báo cáo cho biết, một số ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về tiến độ, trách nhiệm trong triển khai các giải pháp tăng vốn điều lệ cho 3 ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietcombank, BIDV và Vietinbank) và các doanh nghiệp nhà nước mà hiện nay Nhà nước chưa cấp đủ vốn theo quy định.

Trước đó, hàng loạt giải pháp tăng vốn như tăng vốn qua giảm sở hữu Nhà nước, phát hành thêm cho nhà đầu tư nước ngoài… đều đã lần lượt thực hiện tại cả Vietcombank, BIDV và thậm chí đã hết giới hạn (room) tại Vietinbank.

Còn giải pháp mà 3 ngân hàng thương mại này kỳ vọng, qua nhiều lần đề xuất từ năm 2016 đến nay, là tăng vốn bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì trả bằng tiền mặt nộp về ngân sách.

Về phía ngân hàng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank Lê Đức Thọ không ít lần kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 91 và sớm phê duyệt phương án tăng vốn tự có cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Hiện tại, Vietinbank là ngân hàng bị "kẹt" nhất trong số 3 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước do dư địa tăng vốn gần như đã cạn.