Sử dụng phân bón khép kín cho lúa
Vụ xuân 2020, Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện mô hình trồng lúa ứng dụng cơ giới hóa với tổng diện tích 146,5ha. Địa bàn thực hiện trải rộng trên nhiều huyện là Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường.
"Phân bón NPK Lâm Thao giúp cây sinh trưởng nhanh hơn, lúa trổ bông đều hơn và cuối vụ cho thu hoạch sớm hơn khoảng 3 ngày so với loại phân đại trà".
Bà Nguyễn Thị Hợp - nông dân trồng lúa
xã Yên Phương, huyện Yên Lạc.
Bà Nguyễn Thị Hợp (60 tuổi) ở xã Yên Phương, huyện Yên Lạc có 6 sào ruộng tham gia mô hình này, cho biết: Đây là vụ lúa đầu tiên gia đình bà áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy trong trồng lúa. Trong suốt quá trình tham gia mô hình, bà Hợp đã được các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật tập huấn trực tiếp kỹ thuật thâm canh như ngâm, ủ, gieo cấy, làm cỏ sục bùn, phòng trừ sâu bệnh và theo dõi trực tiếp diễn biến cây lúa trên ruộng cho các hộ tham gia mô hình.
Về phân bón cho lúa, bà Hợp dùng phân bón NPK Lâm Thao để lúa đạt năng suất cao nhất.
Bà Hợp phấn khởi cho biết: Cách sử dụng phân NPK Lâm Thao khá đơn giản bằng cách bón lót và bón thúc 2 lần. Về mặt kỹ thuật không có gì khác lạ, nhưng phân bón NPK Lâm Thao giúp cây sinh trưởng nhanh hơn, lúa trổ bông đều hơn và cuối vụ cho thu hoạch sớm hơn khoảng 3 ngày so với loại phân đại trà. Tại nhà bà Hợp và tất cả các hộ dân khác trong xã, kết quả sử dụng đối chứng cho thấy, mỗi sào lúa bón bằng phân NPK Lâm Thao cho thu hoạch 259kg so với mức 235kg khi sử dụng phân bón đại trà.
Ông Trần Văn Thơ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Vụ xuân năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện mô hình trồng lúa ứng dụng cơ giới hóa với tổng diện tích là 146,5ha. Việc cơ giới hóa được áp dụng trong nhiều khâu như làm mạ khay, cấy và gieo hạt hoàn toàn bằng máy.
Trong đó, mạ khay được sản xuất trong khay nhựa có kích thước cố định 30x60cm. Đơn vị này đánh giá, sản xuất mạ khay có nhiều ưu điểm như đỡ tốn nhân công, kiểm soát được sâu bệnh, giảm 30% lượng lúa giống. Đặc biệt, mô hình mạ khay khắc phục được điểm yếu so với việc làm mạ ngoài trời, đó là bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết.
Liên kết "4 nhà"
Cũng theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, vụ xuân 2020, thời tiết bất thường khiến việc sản xuất lúa chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, đánh giá chung cho thấy, nhờ áp dụng cơ giới hóa, diện tích lúa trong mô hình đều sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ thành bông của lúa cấy máy đạt 85,5%, cao hơn phương pháp truyền thống khoảng 28,5%.
Năng suất dự kiến đạt 64,5 tạ/ha, năng suất lúa cấy máy cao hơn so với cấy tay 13,8% (lúa cấy tay đối chứng đạt 56,7 tạ/ha). Qua hạch toán kinh tế sơ bộ, hiệu quả kinh tế đem lại là 19,870 triệu đồng/ha cao hơn các phương pháp đối chứng.
Được biết, trước đó, vụ xuân năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cũng phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng tổ chức mô hình cơ giới hóa đồng bộ có sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín trên giống lúa thuần Thiên ưu 8.
Kết quả mô hình cho thấy năng suất đạt từ 72,3 - 73,7 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đem lại là 23,08 triệu đồng/ha - con số được đánh giá khá ấn tượng. Đặc biệt, sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín giúp cây lúa hấp thụ dinh dưỡng tối đa, cân đối, cây khỏe.
Từ những yếu tố cấu thành mà năng suất mô hình cơ giới hóa đồng bộ sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín trên giống lúa thuần Thiên ưu 8 vụ xuân 2018 đạt 72,3 - 73,7 tạ/ha, cao hơn 5,1 - 6,5 tạ/ha so với phương pháp cấy truyền thống. Qua hạch toán, hiệu quả kinh tế đem lại là 23,08 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Thơ - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ: Thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh đề nghị Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tiếp tục hợp tác với địa phương xây dựng mô hình liên kết "4 nhà", nhằm hình thành các vùng sản xuất lúa gạo tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao.