Về điều kiện tái đàn trên địa bàn tỉnh cơ bản là đảm bảo, bởi từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình bệnh DTLCP đã được kiểm soát. Hầu hết các địa phương của Khánh Hòa qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.
Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện bắt tay vào tái đàn do hầu hết chưa bảo đảm đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học. Mặt khác khi bị DTLCP, trên 2.200 con nái trong các nông hộ buộc tiêu hủy nên nguồn cung cấp lợn giống cho người nuôi gặp khó khăn.
Để thúc đẩy tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo cung ứng cho thị trường, hiện địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đúng với hướng dẫn của Bộ NNPTNT.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y Nghệ An, trên địa bàn tỉnh hiện có 438 trang trại lợn (theo quy định của Luật Chăn nuôi). Trong đó có 24 trang trại quy mô lớn, 75 trang trại quy mô vừa và 339 trang trại quy mô nhỏ. Tính đến tháng 4/2020, tổng đàn lợn của tỉnh Nghệ An đạt 901.449 con, giảm 39.741 con so với thời điểm trước khi có DTLCP.
Từ đầu năm tới nay, khi DTLCP cơ bản đã được khống chế và giá lợn hơi, lợn thịt tăng lên thì tất cả các trang trại chăn nuôi đã thúc đẩy công việc tăng đàn. Tính đến tháng 5/2020, đàn lợn trong hệ thống trang trại đã tăng 37.336 con, nâng tổng số đàn lợn trang trại lên đến 256.543 con. Trong đó đàn lợn nái trang trại đã tăng lên 5.000 con.
Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau thông tin, ngành chức năng đang tăng cường thực hiện công tác hỗ trợ phối giống nhân tạo trên lợn để thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất giống, kịp thời cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi tái đàn của người dân trong tỉnh. Định hướng của tỉnh là chú trọng tái đàn chăn nuôi an toàn sinh học tại các trang trại chăn nuôi lợn tập trung. Các hộ chăn nuôi tái đàn trong và ngoài vùng chăn nuôi tập trung phải đảm bảo các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học và phải được cơ quan quản lý về thú y, chính quyền địa phương kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học để tái đàn.
Song song đó, ngành chức năng sẽ hỗ trợ 50% giá trị lợn giống (dưới 20kg) cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do DLTCP trên địa bàn tỉnh, để khôi phục và phát triển sản xuất.
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với lợn con thương phẩm không quá 800.000 đồng/con; đối với lợn nái hậu sinh sản không quá 1.000.000 đồng/con.