Lúa tốt nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật sạ
Mới đây, tại HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình ấp Hòa Thạnh, xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức hội thảo đánh giá mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong canh tác lúa vụ hè thu năm 2020, với hơn 40 nông dân tham dự.
Theo TTKN tỉnh Vĩnh Long, mô hình giảm lượng giống gieo sạ được thực hiện bởi dự án "Nhân rộng mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa hàng hóa tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017-2020". Trong vụ hè thu năm nay, mô hình được triển khai tại xã Nguyễn Văn Thảnh, với diện tích 40ha/40 hộ, lượng giống lúa gieo sạ là 80kg/ha. Mô hình được hỗ trợ 50% lượng giống (tương đương 40kg/ha), giống lúa được chọn là OM5451. Ngoài ra dự án cũng hỗ trợ 30% vật tư phân bón và dụng cụ sạ hàng.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Di - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình cho biết: Được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Bình Tân, chúng tôi đã thực hiện mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong canh tác lúa với diện tích 3ha. Qua thực tế kiểm tra đánh giá, hiện lúa rất đẹp, không bị đổ ngã, ước tính năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha.
Để thực hiện tốt mô hình này, ông Di cho biết các hộ tham gia đã tuân thủ đúng kỹ thuật làm đất, trong đó để đạt được mục tiêu giảm lượng giống gieo sạ mà lúa vẫn phát triển tốt, bà con đã tiến hành bừa kĩ, chang bằng mặt ruộng, vì thế khi dùng dụng cụ sạ hàng, máy kéo hàng thuận lợi.
Các khâu còn lại cũng không kém phần quan trọng, chúng tôi đều tuân thủ nên các đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện với mật độ thấp, giảm được 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với sạ dày trước kia. Lúa tốt, bông to nên bà con rất phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Thế - thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình chia sẻ thêm: "Do là lần đầu tiên tham gia mô hình giảm lượng giống gieo sạ nên chúng tôi cũng khá lo lắng. Nhất là khi gieo sạ được khoảng 10 ngày, nhìn ruộng lúa lưa thưa tôi lại càng hoang mang. Tuy nhiên khi được cán bộ khuyến nông phân tích động viên, nhất là sau khi bón phân đến giai đoạn 25-30 ngày, thấy lúa phát triển nhanh, đẹp, dảnh to nên chúng tôi rất yên tâm, chỉ chuyên tâm chăm sóc đợi ngày lúa chín mà thôi".
Lợi đơn lợi kép
Trước đó, trong vụ đông xuân 2019-2020, tại cánh đồng mẫu ấp Thuận Phú C, xã Thuận An, 60 nông hộ trồng lúa ở thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) cũng đã tận mắt chứng kiến những ruộng lúa gieo sạ theo phương pháp mới tốt bời bời.
Mô hình được thực hiện tại hộ ông Lê Quang Minh (ấp Thuận Phú), với 4 mật độ gieo sạ khác nhau là 80kg/ha, 120kg/ha, 160kg/ha và 200kg/ha (diện tích trình diễn 300m2/mật độ), giống lúa áp dụng là OM 5451.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các mô hình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa hàng hoá tại ĐBSCL được thực hiện theo phương thức xã hội hoá. Trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua giống lúa xác nhận (định mức hỗ trợ là 6.500 đồng/kg lúa giống), 30% chi phí vật tư thiết yếu, 30% chi phí mua dụng cụ sạ hàng cho nông dân có nhu cầu. Bà con được hỗ trợ tập huấn tham gia mô hình.
Bà con đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy, tại ruộng thực hiện gieo sạ 80kg lúa giống/ha, năng suất lại đạt cao nhất so với các thửa ruộng gieo dày hơn.
Do sạ thưa nên cây lúa khoẻ mạnh, đẻ nhiều bông, chiều dài bông to, năng suất đạt 10,6 tấn/ha. Trong khi thửa ruộng đối chứng với mật độ gieo sạ 200kg/ha, năng suất chỉ đạt 9,4 tấn/ha vì lúa đẻ nhánh kém hơn, bông cũng ngắn hơn.
So sánh giữa mật độ gieo sạ 80kg/ha và mật độ 200kg/ha đang được áp dụng đại trà ở các nông hộ thì thực hiện giảm lượng lúa giống gieo sạ có thể tiết kiệm được 1,6 triệu đồng/ha. Gieo sạ thưa vừa giảm lượng lúa giống cần sử dụng, ruộng thông thoáng nên ít bị sâu bệnh tấn công. Nhờ đó, bà con giảm hẳn lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật so với các ruộng sạ dày.
Theo tính toán, các mô hình sạ thưa tăng lợi nhuận khoảng 4,5 triệu đồng/ha so với ruộng sạ dày.
Ông Nguyễn Tuấn Huy - cán bộ trực tiếp theo dõi mô hình cho biết, quy trình giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa đem lại nhiều lợi ích cho bà con nhờ giảm lượng giống, giảm sử dụng thuốc hóa học, giảm phân bón, qua đó tăng lợi nhuận. Trong mô hình, các hộ dân cũng đã thấy rõ lượng phân bón giảm tới 20,8kg N, 15,2kg P2O5 và 8kg K2O. Nếu tính trên nhiều vụ thì lượng phân giảm rất lớn.
Trong quá trình lúa sinh trưởng, HTX Thanh Bình cũng xử lý tốt hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ trong giai đoạn làm đòng, trỗ, góp phần xây dựng mô hình đạt hiệu quả.