Dân Việt

Nông dân Hà Nội bội thu mùa “vàng”

Minh Ngọc 14/06/2020 19:03 GMT+7
Với việc được hỗ trợ 50% giá giống lúa cho toàn bộ diện tích gieo cấy của các xã, hỗ trợ tiền cho các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới và 130.000 đồng/sào mua phân bón, bà con nông dân các huyện Thường Tín, Thanh Oai (Hà Nội) đã có vụ lúa xuân bội thu.

Vụ xuân được mùa

Xác định vụ đông xuân là vụ sản xuất quan trọng trong năm, huyện Thường Tín phấn đấu gieo trồng khoảng 4.400ha lúa, với các giống chủ lực như Thiên ưu 8, TBR 225, Bắc thơm số 7, Bắc thơm kháng bạc lá HDT10… 

Để chuẩn bị giống lúa có chất lượng phục vụ sản xuất, huyện Thường Tín đã cấp trên 95 tấn thóc giống với mức hỗ trợ 50% giá giống cho 100% diện tích các xã, thị trấn; hỗ trợ 100% giá giống lúa và tiền phân bón 130.000 đồng/sào cho các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới. Ngoài ra, vụ xuân này, huyện Thường Tín tiếp tục trồng thử nghiệm giống lúa TBR 97 tại xã Khánh Hà, Tô Hiệu, Quất Động.

"Vụ đông xuân này, chúng tôi tiếp tục được huyện hỗ trợ 50% giá giống lúa nên bà con rất phấn khởi. Vụ này nhà tôi cấy 4 sào, sản lượng từ 2 - 2,3 tạ/sào" - chị Nguyễn Thị Thùy, xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo chị Thùy, năm nay tiền công bừa là 110.000 đồng/sào, tiền công thuê cấy cao quá, 310.000 đồng/sào nên trừ chi phí, 4 sào lúa của gia đình chị Thùy cũng chỉ đủ ăn.

GOP/Nông dân Hà Nội bội thu mùa “vàng”  - Ảnh 1.

Theo đánh giá khảo nghiệm, TBR 97 vụ xuân 2020 được gieo trồng trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội) đạt năng suất trên 69 tạ/ha. Ảnh: M.N

Trong khi đó, bà Trần Thị Vinh (ở xã Hiền Giang) cho biết: "Gia đình có 5 sào ruộng, nhưng vụ này chỉ cấy được 2 sào, vì 3 sào kia ở trên đồng cao nên không giữ được nước, đành phải bỏ. Mặc dù vụ xuân năm nay được mùa, nhưng vì tiền công bừa cao nên với những hộ cấy ít như nhà tôi, trừ chi phí gần như không có lãi".

Tại huyện Thanh Oai, ông Đỗ Đình Lộc (thôn Quan Nhân, xã Thanh Văn) cho biết, vụ hè thu năm trước gia đình ông đã thắng lớn với giống lúa Bắc thơm 7, đạt năng suất 1,7 - 2 tạ/sào nên vụ xuân 2020 này gia đình ông Lộc tiếp tục trồng giống lúa Bắc thơm 7.

"Vụ xuân này tôi tính năng suất cũng được khoảng 1,8 - 2,1 tạ/sào. Cấy lúa Bắc thơm 7 hạt đều, thời gian sinh trưởng ngắn, ngon cơm mà bán cũng được giá cao" - ông Lộc nói.

Được biết, nhiều năm trở lại đây Thanh Văn là một trong những xã trọng điểm về trồng lúa của huyện Thanh Oai, với thương hiệu gạo tiến vua "Bồ Nâu Thanh Văn". Toàn bộ diện tích trồng lúa của xã đều trồng giống Bắc thơm 7, hiệu quả kinh tế đạt 250 triệu đồng/ha/năm.

Triển vọng giống lúa chất lượng cao

Vụ xuân 2020 là vụ thứ 3 huyện thực hiện khảo nghiệm giống TBR 97. Qua theo dõi, đánh giá TBR 97 chịu rét tốt, kháng bệnh đạo ôn, có khả năng thích ứng với đồng đất và khí hậu ở địa phương. Sau khi giống lúa TBR 97 được Nhà nước cho phép đưa vào sản xuất đại trà, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện đưa giống lúa này vào cơ cấu giống chính của huyện Thường Tín".

Bà Đặng Thị Thanh Hương - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín

Vụ xuân 2020, gia đình ông Đinh Văn Kha (thôn Khánh Vân, xã Khánh Hà, Thường Tín) cũng đang gieo trồng giống lúa TBR 97, với diện tích 7 mẫu.

Ông Kha nhận định, giống TBR 97 là một trong những giống lúa mới được gieo trồng khảo nghiệm tại địa phương. Bước đầu có thể đánh giá, TBR 97 có tỷ lệ hạt nảy mầm cao, chịu ngập tốt và chịu được sâu bệnh. Năng suất đạt 2,3 - 2,5 tạ/sào.

Được biết, cũng trong vụ xuân 2020, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã triển khai xây dựng được 20 mô hình sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng tại 16 xã của 6 huyện gồm: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Mê Linh, Sóc Sơn. Tổng diện tích thực hiện là 859ha.

Trong đó, Trung tâm lựa chọn, xây dựng 65ha sản xuất lá Japonica theo hướng hữu cơ tại 2 xã: Nam Phương Tiến, Đồng Phú (huyện Chương Mỹ); 300ha sản xuất lúa Japonica theo tiêu chuẩn Việt Nam tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai; các xã: Đốc Tín, Phùng Xá, Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức); xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa); xã Liên Mạc (huyện Mê Linh); xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn).

Theo đánh giá của Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, dự kiến năng suất đối với diện tích lúa theo tiêu chuẩn Việt Nam, chất lượng an toàn (khoảng 794ha) sẽ đạt khoảng 6,0 tấn/ha đối với giống lúa ĐS1, và từ 6,3 - 6,5 tấn/ha đối với giống lúa J02. Đối với diện tích lúa Japonica trồng theo hướng hữu cơ, năng suất dự kiến đạt 5,65 tấn/ha.

Đáng chú ý, hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica trong vụ xuân 2020 đạt trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ. So với giống lúa chất lượng Bắc Thơm số 7, năng suất, tổng thu nhập của lúa Japonica đều cao hơn khá nhiều. Đặc biệt, hiệu quả sản xuất của giống lúa Japonica được đánh giá cao gấp đôi giống Bắc thơm số 7 (khoảng 30 triệu đồng so với 15 triệu đồng/ha).