Lục quân Israel đã tham chiến trong mọi thập kỷ kể từ khi được thành lập vào năm 1947. Họ đã chiến đấu trong những cuộc chiến vệ quốc và cả các cuộc viễn chinh trừng phạt vào bán đảo Sinai, Lebanon, Dải Gaza và vùng Bờ Tây.
Dù gặp hạn chế về mặt nhân lực do Israel là nước có quy mô dân số nhỏ, Lục quân Israel lại sở hữu những vũ khí khiến họ trở nên "bất khả chiến bại". Đó là kết quả của chính sách ưu tiên phát triển công nghệ hiện đại và vũ khí hỏa lực mạnh của quân đội Israel.
Lục quân Israel hiện đang sở hữu những vũ khí "khủng" (Ảnh: National Interest)
Sau đây là 5 loại vũ khí của Lục quân Israel khiến mọi đối thủ của họ ở Trung Đông phải ngao ngán.
Xe tăng Merkava
Merkava là sản phẩm của tướng Israel Tal – cựu chỉ huy Lực lượng Thiết giáp Israel. Đây là chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực duy nhất do chính Israel sản xuất. Merkava được phát triển theo đúng phương châm về xe tăng của người Israel: chiều cao thấp và hỏa lực sát thương cao.
Xe tăng Merkava phiên bản Mark IV (Ảnh: military-today)
Động cơ của Merkava được đặt lên phía trước để bảo vệ cho kíp chiến đấu. Đi kèm với bộ giáp có độ dốc lớn, chiếc xe tăng này là một vũ khí phòng thủ hoàn hảo. Nó rất phù hợp để đối đầu với đội hình thiết giáp của Ai Cập tại Sinai hay lực lượng Syria ở cao nguyên Golan.
Giống với các phiên bản đời đầu của xe tăng Mỹ M1 Abrams, những phiên bản đầu tiên của Merkava cũng được trang bị nòng pháo chính 105 mm. Các phiên bản sau này của Merkava được cải tiến và sở hữu pháo nòng trơn 120 mm do chính Israel thiết kế.
Pháo chính của Merkava có độ chính xác cao trong phạm vi tối thiểu 2000 m. Nó có thể bắn ra đạn chống tăng sử dụng nguyên lý nổ lõm HEAT và đạn xuyên giáp AP. Ngoài ra, pháo chính của Merkava còn có thể phóng cả tên lửa dẫn đường bằng laser LAHAT. Với tên lửa này, Merkava đủ khả năng tiêu diệt các mục tiêu cách xa tới 9000 m.
Xe tăng Merkava là một trong những phương tiện thiết giáp đầu tiên được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa chủ động. Israel hiện đã chế tạo hơn 2000 chiếc xe tăng loại này. Trong đó, phiên bản mới nhất, Merkava Mark IV, chiếm 660 chiếc.
Hệ thống tên lửa Spike
Spike là loại tên lửa chống tăng đa nhiệm có điều khiển. Nó có thể được gắn trên nhiều loại phương tiện quân sự, từ những chiếc xe dưới mặt đất cho tới trực thăng Seraph, tàu hải quân và máy bay không người lái. Mục tiêu của Spike cũng rất đa dạng, đó có thể là xe thiết giáp, tàu thủy, máy bay hoặc các đối tượng khủng bố.
Tên lửa Spike LR (Ảnh: Wikipedia)
Spike được trang bị bộ phận cảm ứng nhiệt và đầu đạn Tandem để phá giáp phản ứng nổ. Hiện tại, tên lửa Spike đang tồn tại dưới 5 phiên bản. Về cơ bản, cấu tạo của các phiên bản là như nhau. Chúng chỉ khác nhau về kích thước và tầm bắn.
Phiên bản có kích thước nhỏ nhất là Spike SR, chuyên dùng để tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi 800 m. Đây là tên lửa tầm ngắn có ống phóng chỉ dùng một lần. So sánh với vũ khí của Mỹ, Spike SR có các đặc điểm tương đương với tên lửa chống tăng LAW.
Tiếp đến là phiên bản tầm trung Spike MR. Phiên bản này giống với tên lửa Javelin của Mỹ, có phạm vi hoạt động trong vòng 2500 m.
Phiên bản thứ ba là tên lửa tầm xa Spike LR. Tương tự như tên lửa Mỹ TOW-IIB, loại này có thể tấn công các mục tiêu trong bán kính 4000 m.
Spike ER là phiên bản thứ tư. Đây là tên lửa có tầm bắn rất xa (khoảng 8000 m). Sự lợi hại của Spike ER hoàn toàn có thể sánh ngang với tên lửa trứ danh Hellfire của Mỹ.
Ngoài ra, dòng tên lửa Spike còn có một phiên bản thứ năm nữa đó là Spike NLOS. NLOS là phiên bản chuyên trị các mục tiêu ngoài tầm nhìn. Sợi cáp quang gắn trên NLOS sẽ giúp người bắn tìm và phá hủy các mục tiêu cách xa tới 25 km.
Xe bọc thép Namer
Không như nhiều người nghĩ, hầu hết các loại xe chiến đấu bộ binh trên thế giới đều không được bọc thép chắc chắn. Các loại xe như M2 Bradley, BMP-3 và Warrior sẽ không thể chống chịu sức công phá của tên lửa và đạn xe tăng.
Xe bọc thép Namer (Ảnh: Wikipedia)
Xe bọc thép Namer của Israel thì không như vậy. Namer vốn là phiên bản "độ" lại của mẫu xe tăng Merkava Mark I. Vì vậy, khả năng chịu đựng của nó cũng không thua kém gì một chiếc xe tăng thứ thiệt.
So với Mark I, Namer đã được tháo bỏ nòng pháo chính và tháp pháo. Bên cạnh đó, xe còn được bổ sung một lượng giáp lớn ở phía trước và phần sườn. Một chiếc xe Namer có trọng lượng tương đương với một xe tăng Merkava.
Kíp xe Namer gồm có ba người: lái xe, chỉ huy và người điều khiển trạm vũ khí từ xa. Ngoài ra, xe còn có thể chở theo 9 lính bộ binh nữa.
Tính tới hiện tại, đã có khoảng 120 xe tăng Merkava được cải biến thành xe bọc thép Namer. Số lượng này đủ để phục vụ cho ba tiểu đoàn Lục quân Israel.
Súng trường Tavor
Tavor là súng trường thế hệ thứ hai do chính Israel sản xuất. Khẩu súng này hiện đang là vũ khí tiêu chuẩn dành cho bộ binh Lực lượng Phòng vệ Israel.
Súng trường chiến đấu Tavor (Ảnh: Wikipedia)
Súng Tavor được thiết kế dưới dạng bullpup, tức là hộp đạn sẽ được gắn ở phần báng súng. Kiểu thiết kế này giúp Tavor trở nên nhỏ gọn hơn (súng có chiều dài trên 710 mm) nhưng vẫn đảm bảo được độ dài của nòng súng (khoảng 460 mm).
Dù có vẻ ngoài hiện đại như một khẩu súng của thế kỷ 21, Tavor thực chất có mối liên hệ chặt chẽ với vũ khí từ thế kỷ 20. Cụ thể, khẩu súng sử dụng thiết kế khóa nòng xoay và nạp đạn bằng khí nén của súng trường AK-47 huyền thoại.
Tavor có thể bắn đạn cỡ 5,56 mm và tương thích với hộp đạn 30 viên tiêu chuẩn của NATO. Các phiên bản nhỏ gọn hơn nữa sẽ có nòng súng ngắn hơn và sử dụng đạn súng ngắn 9 mm Luger.
Hệ thống pháo phản lực bắn loạt Smasher
Smasher thực ra chính là loại pháo phản lực bắn loạt M270 MRLS của Mỹ. Là vũ khí chủ lực của pháo binh Hoa Kỳ, M270 được phát triển trong những năm 1970 và là một trong những vũ khí làm thay đổi bộ mặt quân đội Mỹ.
Hệ thống Smasher còn được biết đến với tên gọi M270 MRLS (Ảnh: Wikipedia)
Được thiết kế dựa trên bộ khung của xe chiến đấu M2 Bradley, hệ thống Smasher có thể mang cùng lúc 12 đạn rocket 227 mm. Một tổ hợp ba xe Smasher đủ sức phóng tới hơn 23 nghìn quả đạn chùm. Số đạn này chỉ mất 1 phút để tới mục tiêu và sẽ tiêu diệt mọi kẻ địch trong diện tích 1 km².
Israel đang sở hữu 48 hệ thống Smasher. Số vũ khí này hiện chỉ bắn được tới các mục tiêu cách xa tối đa 40 km. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi khi đạn rocket tầm bắn 150 km được Israel chế tạo thành công. Lúc này, pháo binh Lục quân Israel có thể từ Haifa tấn công sang tận Damascus của Syria.