Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Người dân nên ăn tôm, cá, gà, trứng để tránh trục lợi tăng giá thịt lợn

Khánh Nguyên 13/06/2020 17:23 GMT+7
Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều nay, 13/6, nhiều đại biểu cho rằng, cần có biện pháp hỗ trợ nông dân tái đàn để chấm dứt tình trạng giá lợn hơi nhảy múa. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo người dân nên đa dạng hóa thực phẩm, “không lý gì dân chỉ ăn thịt lợn”.

Tập trung tái đàn để tăng cung 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ đầu năm đến nay, tất cả các ngành đều chịu tổn thương, nhưng riêng ngành nông nghiệp thì tổn thương ở mức độ gay gắt hơn, bởi chịu 2 rủi ro tác động kép là tác động cực đoan của thời tiết khí hậu và dịch bệnh Covid-19. 

 “Chưa năm nào cả 3 miền Bắc-Trung-Nam vào sản xuất vụ Đông Xuân mà đều gặp hạn như năm nay; chưa bao giờ hạn mặn lịch sử ở ĐBSCL hơn cả năm 2016”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ. 

Ngoài thời tiết cực đoan, dịch tả lợn châu Phi hoành hành, sâu keo mùa thu đe dọa, dịch châu chấu châu Phi còn đang phải đề phòng…

 Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng vượt bậc, 5 tháng đầu năm, tất cả các mục tiêu, tiến độ ngành nông nghiệp đều đạt, trừ giá lợn hơi. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Người dân nên ăn tôm, cá, gà, trứng để tránh trục lợi tăng giá thịt lợn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thảo luận tại Quốc hội về giá lợn hơi tăng cao và các giải pháp tái đàn của Bộ để tăng cung chiều 13/6.

Về lý do giá thịt lợn tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải: Dịch tả lợn châu Phi diễn ra từ tháng 8/2018 hết sức phức tạp, làm cho tổng đàn lợn ở nhiều nước giảm mạnh. 

Thực phẩm và giá lợn tăng cao, như ở Trung Quốc giá lên tới 130.000 đồng/kg. Với Việt Nam, dù cố gắng nhưng thiệt hại đàn lợn vẫn tới gần 6 triệu con, tương đương 20% tổng đàn và lượng thịt giảm 9,6%, gây nên biến động giá thịt lợn.

 “Từ tháng 3/2019, ngành đã có chủ trương phát triển các thực phẩm khác như thịt gà, trứng… nhưng vẫn không bù đắp được thiếu hụt thịt lợn. Phải tới quý IV năm nay, số đầu lợn mới bằng lại thời điểm trước khi có dịch nên hiện cung-cầu vẫn chưa gặp nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. 

 Về giải pháp để đảm bảo cân đối cung-cầu, kiểm soát giá thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Mấu chốt là đẩy nhanh tái đàn gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, giống hiện nay rất đắt, nên cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ. 

Theo đó, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn không chỉ tập trung chăm lo con giống cho mình mà phải bán cho người dân. Nhiều địa phương cũng đã ra chính sách hỗ trợ lợn giống. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khuyến người dân đa dạng sản phẩm thay vì chỉ dùng thịt lợn, “không có lý gì tập trung ăn thịt lợn”; đồng thời tăng cường khâu thương mại để làm sao kiểm soát không để trục lợi, tăng giá, từ đó từng bước giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý. 

Không thể điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính 

Liên quan tới câu chuyện kiểm soát giá thịt lợn, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng điều tiết giá cả là cấp bách để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, nhưng không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải quản lý bằng bàn tay vô hình của Nhà nước. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Người dân nên ăn tôm, cá, gà, trứng để tránh trục lợi tăng giá thịt lợn - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến thảo luận về giá lợn hơi tại Quốc hội.

Những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ, cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách, không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi. 

Đại biểu Hoàng Quang Hàm phân tích, nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu, cần thiết thì doanh nghiệp tham gia. Nếu do khâu lưu thông thì có biện pháp hợp lý, hợp pháp, cân nhắc cả việc Nhà nước trực tiếp thu mua và cung ứng cho thị trường.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng nêu một thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân những tháng đầu năm đã tăng so với cùng kỳ năm 2019 và mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020, kéo theo lạm phát cơ bản bình quân cũng tăng so với năm 2019. 

 Các nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng chủ yếu là lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung giảm xuống và đẩy giá lợn lên cao. Hiện nay, giá lợn hơi dao động từ 90.000-100.000 đồng/kg.

 “Do đó đề nghị Chính phủ cũng cần có những giải pháp hữu hiệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cho hộ gia đình được gây đàn, tái đàn và đặc biệt là kích cung để đảm bảo nguồn cung trong cả nước mà không cần nhập của các nước; đồng thời cũng quan tâm hỗ trợ vốn, kiểm soát giá thịt lợn và phòng, chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi” - đại biểu Nguyễn Thị Yến nói.