Dân Việt

Thái Nguyên: Cô giáo bỏ nghề "trồng người", về quê trồng "rừng" hoa hồng trong mơ

Hà Thanh 17/06/2020 06:30 GMT+7
Mặc dù đang giảng dạy ở một trường Cao đẳng tại tỉnh Thái Nguyên nhưng cô giáo Phạm Thị Hồng Nga bỏ nghề "trồng người" để về trồng "rừng" hoa hồng như trong mơ, khiến bao người mê mẩn.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề giáo viên, chị Phạm Thị Hồng Nga (SN 1978, trú tại phường Đồng Quang, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định xin thôi việc, ở nhà chuyên tâm thực hiện niềm đam mê trồng hoa hồng. 

Từ niềm đam mê ấy, chị Nga đã trồng vườn hoa hồng cổ Sapa mang tên UniRose Farm tại xóm Cây Thị, xã Thịnh Đức, TP.Thái Nguyên với diện tích gần 10.000m2.

Thái Nguyên: Từ bỏ nghề giáo, nữ giảng viên quyết theo đuổi đam mê với hoa hồng - Ảnh 12.

Vườn hoa hồng có diện tích gần 10.000m2 của chị Phạm Thị Hồng Nga ở xóm Cây Thị, xã Thịnh Đức, TP.Thái Nguyên

Thái Nguyên: Từ bỏ nghề giáo, nữ giảng viên quyết theo đuổi đam mê với hoa hồng - Ảnh 5.

Vườn hoa hồng của chị Nga hiện tại chủ yếu trồng hồng cổ Sapa và một số loại như hồng nhung, hồng đào, hồng bạch...

Đến vườn hồng của chị Nga, đâu đâu cũng là hoa hồng đang khoe sắc. Hồng cổ Sapa, hồng nhung, hồng bạch, hồng đào...với tổng cộng hơn 20.000 gốc hồng tỏa ngát hương thơm trong không gian gần 10.000m2.

Với trang trại hoa hồng cổ này, chị Nga không chỉ bán hoa hồng tươi và bán hoa hồng giống mà còn phát triển du lịch sinh thái tại đây. Nhiều du khách đến trang trại du lịch đã mua những gốc hồng cổ với giá lên tới hàng chục triệu đồng.

Tuy nhiên, theo chị Nga, sản phẩm quan trọng nhất của UniRose Farm là nước hoa hồng được chị sản xuất từ chưng cất tinh dầu hoa hồng.

Nước hoa hồng là sản phẩm không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da của các bạn gái, có tác dụng làm sạch da, se khít lỗ chân lông, cân bằng độ pH cho da, cấp ẩm...

"Tôi trồng hoa hồng theo phương pháp hữu cơ, kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học nên hoa hồng rất an toàn. Bởi vậy, sản phẩm nước hoa hồng do tôi chiết xuất từ những bông hồng được hái từ chính vườn hoa này cũng rất tinh khiết...", chị Nga cho hay.

Theo chị Nga, nước hoa hồng do chị chiết xuất chủ yếu là từ hồng cổ Sapa, kết hợp với số lượng ít hồng nhung và các loại hồng khác...

Thái Nguyên: Từ bỏ nghề giáo, nữ giảng viên quyết theo đuổi đam mê với hoa hồng - Ảnh 2.

Thái Nguyên: Từ bỏ nghề giáo, nữ giảng viên quyết theo đuổi đam mê với hoa hồng - Ảnh 3.

Ngoài trồng hoa hồng để chiết xuất nước hoa hồng, đây còn là không gian trải nghiệm lý thú cho các em nhỏ và nhiều bạn trẻ.

Với mong muốn sản phẩm của mình làm ra sẽ có uy tín và khẳng định chất lượng trên thị trường, tháng 3 vừa qua, chị Nga thành lập HTX hoa hồng với 8 thành viên tham gia.

Thái Nguyên: Từ bỏ nghề giáo, nữ giảng viên quyết theo đuổi đam mê với hoa hồng - Ảnh 6.

Thái Nguyên: Từ bỏ nghề giáo, nữ giảng viên quyết theo đuổi đam mê với hoa hồng - Ảnh 7.

Những cánh hoa hồng được hái từ vườn hồng cổ của chị Nga để chiết xuất thành nước hoa hồng.

Hiện tại, HTX đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm như hoa tươi, nước hoa hồng, cây giống hoa... Trong đó sản phẩm chính là nước hoa hồng đã được đăng ký tem truy xuất nguồn gốc.

Theo chị Nga, sắp tới, HTX sẽ ra mắt thị trường 3 dòng sản phẩm mới từ hoa hồng là trà hoa hồng, hoa hồng khô và bột hoa hồng. Ngoài ra, chị đang hoàn tất các thủ tục để đưa sản phẩm nước hoa hồng trở thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương.

Thái Nguyên: Từ bỏ nghề giáo, nữ giảng viên quyết theo đuổi đam mê với hoa hồng - Ảnh 13.

Sản phẩm nước hoa hồng do HTX hoa hồng sản xuất.

"Mong muốn lớn nhất của tôi hiện nay mở rộng quy mô mô hình này để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, nhằm giúp cho các em nhỏ và nhiều bạn trẻ có nơi giao lưu, trải nghiệm. Tuy nhiên, quỹ đất của trang trại hiện vẫn còn khá hạn hẹp. Bởi vậy, tôi mong sẽ được các đơn vị quan tâm, tạo điều kiện về quỹ đất để sớm thực hiện được những dự định trong tương lai," chị Nga chia sẻ.