Trong cuộc xâm lược Nga năm 1812, Napoléon đã chiến thắng nhiều trận đánh và chiếm được Moscow. Tuy nhiên với Pháp, chiến dịch này vắt kiệt quân lực của họ, chỉ ra nhiều điểm yếu chiến lược. Danh tiếng của bị Napoleon lung lay, bá quyền của Pháp ở châu Âu vì thế suy yếu nghiêm trọng.
Vì sao Napoleon xâm lược Nga?
Cho đến trước năm 1812, hầu hết các quốc gia Tây và Trung Âu đều nằm dưới sự kiểm soát của Napoleon, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua cơ chế bảo hộ, liên minh hoặc theo các hiệp ước có lợi cho Pháp. Năm 1807, Napoleon đẩy quân đội sa lầy vào Chiến tranh Bán đảo ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nền kinh tế, tinh thần quân đội và sự vị thế chính trị của Pháp suy giảm đáng kể. Với Napoleon, thể chất và tinh thần của ông ngày càng đi xuống. Ông bị thừa cân và ngày càng dễ mắc bệnh.
Hiệp ước Schönbrunn, kết thúc cuộc chiến năm 1809 giữa Áo và Pháp, có điều khoản sáp nhập xứ Tây Galicia của Áo cho Đại công tước Warsaw. Nga coi vùng này là xuất phát điểm tiềm năng để một quốc gia khác xâm lược mình. Do đó, họ đã phát triển một kế hoạch tấn công vào năm 1811, giả định một cuộc tấn công của Nga vào Warsaw và Danzig.
Sa hoàng Alexander I hiểu Nga đang nằm trong nhiều sự ràng buộc kinh tế vì đất nước của ông không có nhiều phương tiện sản xuất trong khi nguyên liệu rất dồi dào. Nga lúc đó phụ thuộc nhiều vào Hệ thống lục địa của Napoléon về tiền và sản xuất hàng hóa. Việc Nga rút khỏi hệ thống là một động lực thôi thúc Napoleon bắt đầu chiến dịch.
Napoleon đã bỏ qua hàng loạt những lời khuyên lặp đi lặp lại phản đối việc xâm lược Nga và chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công. Trong nỗ lực giành thêm sự ủng hộ từ những người yêu nước Ba Lan, Napoleon đã gọi cuộc chiến này là Chiến tranh Ba Lan lần thứ hai (Chiến tranh Ba Lan lần thứ nhất của Napoleon thực chất là Chiến tranh Liên minh thứ tư, 1806 – 1807, với một trong số mục tiêu chiến tranh là tái lập một nhà nước Ba Lan trên lãnh thổ trước kia của họ).
Những người yêu nước Ba Lan muốn phần đất Nga từng thuộc Ba Lan được trao cho Đại công tước Warsaw, từ đó tái lập nước Ba Lan độc lập. Những yêu cầu này đã bị Napoleon từ chối, ông tuyên bố ông đã hứa với Áo, một trong những cường quốc tham gia chia cắt Ba Lan vào cuối thế kỷ XVIII, rằng điều này sẽ không xảy ra.
Thách thức hậu cần
Cuộc xâm lược của Nga cho thấy tầm quan trọng của hậu cần trong kế hoạch quân sự. Quân đội Pháp dưới thời Napoleon có thể tự nuôi sống binh sĩ dựa vào việc chiếm tài nguyên, cướp bóc ở vùng trung tâm đông dân cư, các vùng nông nghiệp lớn có mạng lưới đường bộ tốt. Nhờ đó, Pháp có thể hành quân thần tốc, khiến những đội quân kiểu cũ choáng váng và rối loạn.
Tuy nhiên, ở Nga, phương thức tác chiến này trở nên kém hiệu quả. Mùa đông đến, người Pháp thiếu giày cho ngựa, khiến những con ngựa không thể có được lực kéo trên tuyết và băng. Các cuộc tiến quân thần tốc khiến quân đội thiếu tiếp tế vì các xe thồ khó lòng bám kịp. Thiếu thức ăn và nước uống ở những vùng dân cư thưa thớt và nông nghiệp kém phát triển khiến binh sĩ chịu các nguy cơ từ các bệnh truyền qua đường ăn uống, khi nhiều người uống nước từ vũng bùn và ăn thức ăn ôi thiu. Các đạo quân tiên phong, do đó, thường được ưu tiên cung cấp trong khi các đạo quân phía sau thiếu thốn trầm trọng. Trên thực tế, việc thiếu ăn, nạn đào ngũ, bạo lực và tự sát khiến quân đội Pháp phải trả giá đắt.
Sau cuộc chiến, nhiều người cho rằng mùa đông nước Nga đã đánh bại Napoleon. Trong khi thời tiết khắc nghiệt là một yếu tố quan trọng trong thất bại của Quân đội Pháp, các nhà sử học chỉ ra rằng hầu hết các tổn thất của Pháp xảy ra trước mùa đông. Định kiến phổ biến cho rằng Pháp thất bại chỉ vì mùa đông khắc nghiệt là thiếu cơ sở.
Cuộc xâm lược của Pháp
Sau hang loạt các cuộc hành quân thần tốc, Napoleon đã nhanh chóng tiến sâu vào Nga trong nỗ lực ép quân đội Nga phải ra trận. Ông đánh thắng một số cuộc giao chiến nhỏ và một trận đánh lớn tại Smolensk (8/1812). Khi quân đội Nga rút lui, kỵ binh cossack được giao nhiệm vụ đốt cháy làng mạc, thị trấn và mùa màng. Chiến thuật tiêu thổ này khiến người Pháp hết sức khó chịu.
Quân đội Nga liên tục rút lui trong ba tháng từ khi Pháp tấn công. Việc rút lui liên tục và để mất đất cho người Pháp làm giới quý tộc Nga phật lòng. Họ gây áp lực với Alexander I để hạ bệ chỉ huy của quân đội Nga là Nguyên soái Barclay. Do đó, Alexander I bổ nhiệm vị tướng già dặn Mikhail Kutuzov lên nắm quyền.
Vào tháng 9, người Pháp đuối kịp quân đội Nga, lúc này đã triển khai phòng ngự chắc chắn trên sườn đồi trước một thị trấn nhỏ gọi là Borodino, cách 70 dặm về phía tây Moscow. Trận chiến diễn ra sau đó là trận đánh trong một ngày lớn nhất và đẫm máu nhất của Chiến tranh Napoleon. Hơn 250000 binh sĩ tham chiến và hơn 70000 người thương vong. Người Pháp đã giành chiến thắng, nhưng tổn thất 49 tướng và hàng vạn lính.
Napoleon tiến vào Moscow một tuần sau đó. Người Pháp lúc này càng thêm bối rối khi không có đoàn thương thuyết nào đến đàm phán. Người Nga đã sơ tán khỏi thành phố và thống đốc thành phố, bá tước Fyodor Rostopchin, đã ra lệnh đốt cháy một số điểm chiến lược ở Moscow. Việc để mất Moscow không khiến Alexander I muốn hòa đàm, và cả hai bên đều biết rằng vị trí của Napoleon đang suy yếu từng ngày. Sau khi ở lại Moscow một tháng, Napoleon đã đưa quân đội của mình theo phía tây nam tới Kaluga, nơi đại quân của Kutuzov đóng trại.
Sự nghiệp quân sự của Kutuzov gắn liền với thời kỳ Nga gia tăng sức mạnh từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Kutuzov đã đóng góp nhiều cho lịch sử quân sự của Nga và được coi là một trong những tướng lĩnh xuất sắc nhất lịch sử Nga. Ông tham gia đàn áp các cuộc nổi dậy, chỉ huy trong ba cuộc chiến với Đế quốc Ottoman, và chỉ huy quân đội Nga trong Chiến tranh Napoleon, tiêu biểu nhất là hai trận đánh lớn tại Austerlitz (12/1805) và trận Borodino.
Napoleon đã cố gắng một lần nữa để lôi kéo quân đội Nga vào một trận đánh quyết định ở Maloyaroslavets. Tuy nhiên, một lần nữa, người Nga đã rút lui.
Napoleon lúc này hy vọng sẽ giành lại được nguồn cung cấp ở Smolensk và sau đó là Vilnius. Trong những tuần sau đó, việc thiếu thức ăn, hạ thân nhiệt vì cái lạnh khủng khiếp, cũng như việc kỵ binh Cossack quấy rối liên tục khiến quân Pháp bị cô lập khỏi các nguồn tiếp tế, dẫn đến việc suy giảm số lượng binh sĩ, cũng như suy giảm kỷ luật và sự gắn kết trong quân đội.
Sau khi vượt sông Berezina, Napoleon rời quân đội sau khi các cố vấn của ông thúc giục. Ông trở lại Paris để bảo vệ vị thế Hoàng đế của mình và bổ sung nhân lực cho các đội quân mới. Chiến dịch kết thúc vào tháng 12 năm 1812 khi những người lính Pháp cuối cùng rời khỏi đất Nga.
Các đơn vị chủ lực của Napoleon đã chịu thiệt hại đến một phần ba lực lượng trong tám tuần đầu tiên của cuộc xâm lược, trước khi những trận chiến quan trọng nổ ra. Trung quân Pháp dưới sự chỉ huy trực tiếp của Napoleon, đã vượt qua sông Nemen với 286.000 người, nhưng vào thời điểm trận Borodino, lực lượng này chỉ còn 161.475 người. Cuộc xâm lược Nga của Napoleon là một trong những chiến dịch tai hại nhất lịch sử thế giới.
Hệ quả
Chiến dịch này là một bước ngoặt trong Chiến tranh Napoleon. Danh tiếng của Napoleon bị lung lay và quyền bá chủ của Pháp ở châu Âu vì thế cũng suy giảm nghiêm trọng. Trong gần 700000 người của đại quân xâm lược Nga, cấu thành từ các lực lượng của Pháp và đồng minh, chỉ có một phần sáu lực lượng trở về. Những sự kiện này đã gây ra sự thay đổi lớn trong chính trị châu Âu. Đồng minh của Pháp là Phổ đã phá vỡ thế liên minh áp đặt của Pháp và đổi phe, ngay sau đó là Áo. Điều này dẫn đến Cuộc chiến của Liên minh thứ sáu, với thất bại toàn diện của Napoleon và khiến ông phải thoái vị lần thứ nhất.