Ngày 16/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức khai giảng lớp đào tạo thí điểm giám đốc hợp tác xã 2020.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam dự buổi khai giảng và trực tiếp trao đổi với các học viên về chủ đề: "Vai trò, vị trí của hợp tác xã nông nghiệp và xu thế phát triển trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới".
Đối tượng tham dự lớp đào tạo thí điểm giám đốc hợp tác xã nông nghiệp là các giám đốc, phó giám đốc, thành viên hội đồng quản trị hợp tác xã nông nghiệp; các ứng cử viên cho chức danh giám đốc, phó giám đốc và hội đồng quản trị hợp tác xã nông nghiệp; cán bộ, thành viên hợp tác xã là đối tượng được hỗ trợ chính sách theo Thông tư 340/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính.
Sau khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ nghề quốc gia về sơ cấp nghề đào tạo giám đốc hợp tác xã.
Hơn 17 năm hành nghề y và được hứa hẹn cân nhắc vị trí lãnh đạo ở Trung tâm y tế thành phố Bắc Kạn, nhưng ông Nguyễn Đình Tân, Chủ tịch Hội doanh nhân OCOP, Giám đốc Hợp tác xã rượu chuối Tân Dân (Bắc Kạn) đã từ bỏ nghề để bắt đầu khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp gắn với các sản phẩm OCOP.
Ông Tân cho biết, Hợp tác xã rượu chuối Tân Dân đã thu hút 25 thành viên, có 2/3 thành viên là người dân tộc thiểu số. Để có thể lãnh đạo, vận hành các hoạt động của hợp tác xã, ông đã phải học tiếng Dao, Nùng để trực tiếp trao đổi với các thành viên là người dân tộc.
Ông cũng trực tiếp đi từng đại lý, cửa hàng kinh doanh để giới thiệu sản phẩm. Với cách làm này, sản phẩm của hợp tác xã đã mở rộng được mạng lưới, tiếp cận với người tiêu dùng.
Dù là người có kiến thức chuyên môn và am hiểu lĩnh vực kinh doanh, nhưng khi giữ vị trí giám đốc hợp tác xã ông đã phải vận lộn tìm đầu ra cho sản phẩm, thậm chí bị bầm dập, thất bại trong sản xuất kinh doanh.
"Tôi đã từng phải bán ô tô, nhà cửa nhưng vẫn quyết theo đuổi sự nghiệp phát triển hợp tác xã nông nghiệp" – ông Nguyễn Đình Tân khẳng định.
Đến với lớp đào tạo giám đốc hợp tác xã, ông Tân vừa muốn học hỏi, trau dồi thêm những kiến thức lý luận và thực tiễn từ hoạt động của các hợp tác xã nhằm vận hành hợp tác xã hiệu quả, thành công.
"Làm giám đốc hợp tác xã tuy vất nhưng mà vui. Sản phẩm làm ra không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước tin dùng mà còn hướng tới xuất khẩu. Với lợi thế tỉnh miền núi, cây thuốc, dược liệu quý nhiều nên hợp tác xã vừa mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng để chế biến cây quế nếp thành sản phẩm nước rửa tay khô, lau sàn…" – ông Tân chia sẻ.
Theo ông Tân, nhân lực là chìa khóa vàng để các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động thành công, hiệu quả.
"Thực tế ở tỉnh Bắc Kạn, nơi có nhiều Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp chỉ học đến lớp 7, lớp 10 nhưng với sự nhiệt huyết, uy tín họ đã tập hợp được các thành viên cùng tham gia vào hợp tác xã. Với trình độ, sự hiểu biết hạn chế, đây lại đang là rào cản lớn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã".
PGS. TS. Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên bày tỏ sự ấn tượng về sự phát triển về số lượng hợp tác xã nông nghiệp, nhưng qua khảo sát cho thấy còn nhiều vấn đề về hiệu quả và chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, nhất là vai trò chỉ đạo của người đứng đầu, trực tiếp là Giám đốc hợp tác xã và các thành viên hội đồng quản trị.
Chính vì thế, PGS. TS. Trần Văn Điền khẳng định, việc mở lớp đào tạo thí điểm giám đốc hợp tác xã nông nghiệp là một chủ trương đúng về đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành, hy vọng qua lớp đào tạo này thì các hợp tác xã sẽ phát triển đồng đều, có hiệu quả.
Theo ông Điền, 34 năm trước nhà trường đã đào tạo cử nhân ngắn hạn 3 năm theo sự đặt hàng của các hợp tác xã. Khi biết có chương trình đào tạo giám đốc hợp tác xã, nhiều sinh viên trong trường rất quan tâm, muốn tham gia học tập.
"Thống kê cho thấy, có khoảng 30% sinh viên ra trường về quê tự lập nghiệp với cây trồng, vật nuôi… Vì thế, thời gian tới, nhà trường sẽ liên tục mở lớp để 42.000 sinh viên có thể học hỏi kiến thức về phát triển hợp tác xã nông nghiệp" – ông Điền chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, nhu cầu phát triển hợp tác xã nông nghiệp đang tăng rất nhanh, khoảng 16.163 hợp tác xã nông nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng quyết định hoạt động hiệu quả của hợp tác xã nông nghiệp đó là vấn đề điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Ban giám đốc của hợp tác xã nông nghiệp.
"Các Giám đốc hợp tác xã hiện nay về trình độ chuyên môn tốt nghiệp cao đẳng, đại học chỉ chiếm 20%, nhưng về kinh nghiệm thực tiễn thì rất nhiều, đáp ứng được các yêu cầu về sản xuất của các thành viên đã bầu chọn. Tuy nhiên, chúng tôi muốn trang bị những kiến thức cơ bản để nâng cao trình độ quản lý của các giám đốc hợp tác xã, đặc biệt là trình độ quản trị, quản lý nhân sự, marketing" – Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
"Chương trình này chúng tôi cơ cấu 3 nội dung: Một là, những kiến thức cơ bản về hợp tác xã, về quản trị, quản trị nhân sự, marketing, ứng dụng khoa học công nghệ. Hai là chương trình ngoại khóa, các giám đốc hợp tác xã trẻ hoạt động tích cực và hiệu quả sẽ trao đổi, chia sẻ, truyền đạt lại những kinh nghiệm.
Ba là tổ chức đi tham quan một số mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả để từ đó các học viên có thể nhìn nhận, đánh giá và thấy được những hạn chế, ưu điểm để sau khi về hợp tác xã của mình thì có thể quản lý, quản trị hợp tác xã tốt hơn" – Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.
Sau lớp thí điểm đầu tiên đào tạo giám đốc hợp tác xã ở Thái Nguyên, dự kiến Bộ NNPTNT sẽ tổ chức một lớp ở TP. Hồ Chí Minh; từ đó hoàn thiện tài liệu, chương trình để nhân rộng ra cả nước.