Dân Việt

Thanh toán trực tuyến còn "nghẹn" nhiều chỗ

Song Minh 16/06/2020 16:43 GMT+7
Hôm nay, ngày 16/6, là "Ngày không tiền mặt" lần thứ 2 tại Việt Nam (lần thứ nhất là 16/6/2019). Không xài tiền mặt, hay nói cách khác là thanh toán trực tuyến đang là xu hướng tại thị trường Việt Nam.

Nhưng giới kinh doanh cho rằng, hình thức thanh toán trực tuyến tại Việt Nam còn "nghẹn" nhiều chỗ, cần phải khơi thông bằng nhiều biện pháp quyết liệt hơn. 

Dữ liệu khách hàng – Yếu tố quyết định

Để có dữ liệu khách hàng sử dụng điện trên toàn quốc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mất 4 năm để số hóa dữ liệu. Dù đó là công việc mà ngành điện phải làm nhưng chừng ấy thời gian, rõ ràng ngành điện đã tốn nhiều thời gian, nhân lực và tiền bạc. 

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), cho rằng: "Chuyện thanh toán trực tuyến không thể thành công nếu không có dữ liệu tập trung. Hiện nay, mỗi ngành có cách làm dữ liệu với công nghệ riêng nên rất khó tích hợp với nhau". 

Ông Dũng còn dẫn chứng: Tại một tỉnh nọ, có 6 sở làm dữ liệu với 6 phần mềm khác nhau nên không thể "trộn" dữ liệu này thành kho dữ liệu chung.

Khách hàng đang trải nghiệm hình thức mua hàng và thanh toán trực tuyến bằng mã QR

Khách hàng đang trải nghiệm hình thức mua hàng và thanh toán trực tuyến bằng mã QR

Đại diện ngân hàng VietinBank cho biết, hiện đã có cách giúp khách hàng sử dụng dịch vụ y tế thanh toán trực tuyến tại nhiều bệnh viện nhưng vì chưa có kết nối dữ liệu của khách hàng với dịch vụ bảo hiểm y tế nên nhiều khách hàng chưa mặn mà với hình thức này, chấp nhận xếp hàng chờ đến lượt. "Đây là điểm nghẹn quan trọng của dịch vụ thanh toán trực tuyến trong lĩnh vực y tế", đại diện Vietinbank chia sẻ thêm.

Ông Dũng cũng cho biết, ngày 1/7 tới, NHNN sẽ trình Chính phủ những nguyên tắc chung về cách kết nối và chia sẻ dữ liệu khách hàng với các đối tác kinh doanh, trong đó chú trọng đến các dịch vụ thanh toán trung gian.


Khách hàng làm quen với công nghệ thẻ không tiếp xúc.

Khách hàng làm quen với công nghệ thẻ không tiếp xúc.

Cần truyền thông mạnh hơn

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, trong những ngày Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, lượng giao dịch mua hàng trực tuyến có ngày lên tới 4 triệu đơn hàng với những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, gạo… nhưng hình thức trả tiền vẫn là "thấy hàng trả tiền".

"Khi nói đến thanh toán trực tuyến, khách hàng sợ nhiều thứ. Thói quen mua hàng bằng tiền mặt vẫn còn sâu nặng với khách hàng. Đã đến lúc phải thay đổi thói quen này", ông Dũng nói.

Bà Lý Thị Hoài Hương (Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng Cục Thuế) cho biết, từ năm 2015 đã ban hành chính sách nộp thuế cá nhân điện tử nhưng vì quy trình phức tạp, người nộp thuế chưa an tâm nên vẫn quen đến các cơ quan thuế với hình thức nộp tiền mặt. "Cần phải thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Muốn vậy, cần phải có cách truyền thông hấp dẫn hơn", bà Hoài Hương nhận định.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, để chủ trương không xài tiền mặt sâu rộng hơn trong xã hội, ngân hàng, dịch vụ thanh toán trung gian… "Cần có những biện pháp truyền thông mạnh mẽ" để khách hàng từ vùng sâu đến đô thị hiểu rõ những lợi ích của hình thức giao dịch không tiền mặt.


Nên có ưu đãi cho khách hàng mua sắm và trả tiền trực tuyến bằng công nghệ mới. Trong ảnh: công nghệ QR của Payoo vừa xuất hiện tại nhiều siêu thị.

Nên có ưu đãi cho khách hàng mua sắm và trả tiền trực tuyến bằng công nghệ mới. Trong ảnh: công nghệ QR của Payoo vừa xuất hiện tại nhiều siêu thị.

Những giải pháp "cộng thêm"

Ngoài việc tháo gỡ của hai điểm "nghẹn" trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bán lẻ… đề xuất những giải pháp "cộng thêm", hầu thúc đẩy cộng đồng tham gia nhiều hơn nữa mô hình "xã hội không tiền mặt" như chủ trương của Chính phủ.

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank chia sẻ góc nhìn: "Chính phủ cần có chính sách ưu đãi cho những giao dịch không tiền mặt. Đồng thời, cần thu phí cao hơn nếu giao dịch đó phía bên mua trả bằng tiền mặt". Ông Đức của Saigon Co.op đề nghị: "Giảm thuế cho nhà bán lẻ, hộ kinh doanh và người tiêu dùng nếu cùng nhau áp dụng hình thức thanh toán trực tuyến".

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng cam kết hỗ trợ dịch vụ thanh toán di động dành cho những tiểu thương. Từ 1/7, theo bà Hoài Hương, Tổng cục Thuế sẽ thí điểm hình thức nộp thuế trước bạ xe, nhà đất, cho thuê nhà xưởng… thông qua các dịch vụ thanh toán trung gian như Napas, MoMo…  

Khi mua sắm trực tuyến, sẽ không còn cảnh chen lấn trả tiền... Chỉ còn nhân viên bán hàng và một chiếc máy tính.

Khi mua sắm trực tuyến, sẽ không còn cảnh chen lấn trả tiền... Chỉ còn nhân viên bán hàng và một chiếc máy tính.

"Xã hội không tiền mặt" đang là xu hướng của nền kinh tế hiện đại. Dù có nhiều thay đổi tích cực nhưng vẫn còn khá đông khách hàng quen xài tiền mặt. Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng "Làm sao để khách hàng chịu sử dụng thanh toán trực tuyến lần đầu là khó nhất". Vị vụ trưởng này cho rằng, khi khách hàng đã trả tiền trực tuyến lần thứ nhất sẽ có giao dịch lần thứ 2, thứ 3…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cam kết, trong thời gian tới, NHNN sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thanh toán trực tuyến; trình Chính phủ nghị định mới thay thế Nghị định số 101 về thanh toán trực tuyến...

Trong 4 tháng đầu năm 2020, thanh toán qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị. Trong đó, kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; qua smartphone tăng 189% về số lượng và hơn 166% về giá trị… so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến cuối tháng 3/2020, số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành là 103,1 triệu thẻ.