Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: "Để cho đất nước nở hoa"

Phạm Xuân Nguyên 21/07/2020 08:00 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mời bạn đọc cuốn sách "Xin được nói thẳng" của nhà toán học Hoàng Tụy (1927 – 2019).
Đọc sách cùng bạn: "Để cho đất nước nở hoa" - Ảnh 1.

Giáo sư Hoàng Tụy người Quảng Nam, là một trong hai người sáng lập ngành toán học Việt Nam. Ông nguyên là Chủ nhiệm Khoa toán Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1961 đến 1968. Sau đó ông là Viện trưởng Viện Toán học từ 1980 đến 1989. Giáo sư Hoàng Tụy được coi là chuyên gia hàng đầu về vận trù học trên thế giới. Năm 1964 ông phát minh ra phương pháp "lát cắt Tụy", đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn cục. Giáo sư Hoàng Tụy đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), Giải thưởng Phan Chu Trinh về giáo dục (2010), Giải thưởng Constantin Carathéodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu toàn cục đề xướng cho những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực nghiên cứu này.

Mấy nét tiểu sử trên để bạn biết về Hoàng Tụy ở tư cách một nhà toán học, một nhà khoa học nói chung. Nhưng bạn phải đọc vào sách này để biết thêm Hoàng Tụy ở tư cách một nhà phản biện xã hội trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về khoa học và giáo dục. Cuốn sách là tập hợp nhiều bài viết, bài nói của giáo sư Hoàng Tụy trong nhiều năm qua và được chia làm bốn phần.

Phần I: Đổi mới cơ chế quản lý và trọng dụng nhân tài.

Phần II: Chấn hưng giáo dục – mệnh lệnh cuộc sống.

Phần III: Quản lý khoa học: hướng tới các chuẩn mực khoa học.

Phần IV: Giáo sự Hoàng Tụy qua những câu chuyện và hồi ức.

Tôi hồi trẻ đã từng nghe kể là trong một lần được các lãnh đạo cấp cao hỏi về đường hướng phát triển đất nước, giáo sư Hoàng Tụy đã thẳng thắn nói ra suy nghĩ của mình rằng nước ta đang đi lạc điệu với thế giới. Lạc hậu là đi sau thì cố gắng sẽ bắt kịp. Nhưng lạc điệu thì rất khó mà theo kịp người, kiểu như bài hát của Trịnh Công Sơn "em đi bằng nhịp điệu, một hai ba bốn năm, tôi đi bằng nhịp điệu, sáu bảy tám chín mười". Sau này được nghe trực tiếp ông ở các diễn đàn khác nhau, được đọc các bài viết của ông trên các báo chí, nhất là trên tạp chí "Tia Sáng", tôi càng thấy sáng ra nhiều điều trong tư duy của mình và càng cảm phục thái độ phản biện trung thực, thẳng thắn của ông – một nhà trí thức lớn luôn đau đáu với vận mệnh dân tộc, đất nước, ngay cả khi đã tuổi cao sức yếu. Tên cuốn sách này "Xin được nói thẳng" là đúng tinh thần và phong cách Hoàng Tụy. Bìa sách màu trắng với tên sách đứng thẳng hàng được thiết kế thêm độ nhấn cho nội dung sách.

Ông đã chỉ ra lỗi hệ thống, khuyết tật hệ thống trong hai lĩnh vực giáo dục – khoa học. "Khi một hệ thống gặp trục trặc mà có thể khắc phục được bằng cơ chế phản hồi thì đó là sự trục trặc bình thường (trục trặc kỹ thuật). Nhưng nếu trục trặc lặp đi lặp lại mãi mà không sao khắc phục được bằng cơ chế phản hồi thì có nhiều phần chắc đó là một lỗi cấu trúc, lỗi thiết kế, hay cũng gọi là lỗi hệ thống, chỉ có thể khắc phục được bằng cách thay đổi cấu trúc, thay đổi thiết kế" (tr. 27). Nhưng ông không chỉ dừng lại ở hai lĩnh vực này mà còn bàn tới sự "tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống" trong đời sống chính trị, đời sống kinh tế để khơi đường cho sự phát triển của đất nước. Ông kêu gọi phải có tư tưởng chiến lược trong chính sách nhân tài mà trung tâm là quy tụ và sử dụng nhân tài. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc này, trở đi trở lại nó trong nhiều bài viết. Quy tụ và sử dụng được nhân tài theo ông là tạo ra được trong xã hội tâm lý "không thỏa mãn với những khuôn sáo, luôn tìm tòi ý tưởng độc đáo, luôn cải tiến, đổi mới, vươn lên các đỉnh cao sáng tạo, nuôi hoài bão, nuôi tham vọng lớn" (tr. 66), từ đó gây nguồn động lực mạnh mẽ cho một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao.

XIN ĐƯỢC NÓI THẲNG

Tác giả: Hoàng Tụy

Omega & Nhà xuất bản Thế Giới, 2019.

Số trang: 425

Số lượng: 1500

Giá bán: 189.000

Bàn về giáo dục ngay từ năm 2007 giáo sư Hoàng Tụy đã xin nói thẳng ba điểm: 1) Giáo dục sa sút không phải vì thiếu tiền mà vì quản lý quá kém; 2) Cần cải cách có hệ thống, chứ không phải đổi mới vụn vặt; 3) Giáo dục không phải là phòng thí nghiệm. Ông cho rằng nếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải hết sức coi trọng nhiệm vụ lãnh đạo giáo dục. Người được giao nhiệm vụ làm giáo dục không những phải hiểu ngành này mà còn phải có tinh thần dốc hết tâm lực cho nó,  "không thể giao nhiệm vụ quan trọng trong quản lý giáo dục cho những người chưa biết việc, chưa thạo việc" (tr. 215). Ông quan tâm những vấn đề chung có tính chính sách, đường lối, nhưng cũng đi sâu bàn về những chuyện cụ thể như dạy toán trong trường phổ thông, sách giáo khoa, cải cách việc thi cử, tích hợp hay không tích hợp môn lịch sử. Theo ông, cuộc thảo luận về việc tích hợp hay không môn Sử đã đi chệch hướng vì đó là chuyện kỹ thuật, trong khi vấn đề cần bàn là làm sao dạy môn Sử cho hay, cho hấp dẫn học sinh. Và ông chỉ ngay ra một trong những nguyên nhân quan trọng của việc học sinh chán học Sử là: "Nhà trường chỉ tập trung dạy về giai đoạn lịch sử sau 1930, còn trước năm 1930 thì dạy phớt, đến nỗi có người nói rằng coi như cả lịch sử đất nước chỉ có từ năm 1930. Trong các kỳ thi trung học phổ thông, các câu hỏi bao giờ cũng về giai đoạn ấy, rất ít khi rơi vào những giai đoạn trước. Và dạy về giai đoạn từ năm 1930 đến nay nhưng chỉ dạy theo quan điểm một chiều, chưa nói hết sự thật, cho nên học sinh chán bởi chúng đâu phải không biết gì, hay chỉ biết bảo sao nghe vậy" (tr. 238). Đúng là những lời nói thẳng!

Ông đề cao các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động khoa học. Hội nhập là phải đồng đẳng, không thể mình đi lạc điệu với thế giới. Trong chuyện này ông nêu lên nhiều vấn đề như tránh ngộ nhận bằng cấp, học vị, cần cải cách hành chính ở các cơ quan khoa học, chống gian dối, bảo vệ liêm khiết khoa học, cần coi trọng sự công bố quốc tế các kết quả nghiên cứu khoa học, cần xây dựng một tạp chí khoa học đẳng cấp quốc tế. Ở lĩnh vực chuyên môn của mình, giáo sư Hoàng Tụy từ năm 2009 khi góp ý cho "Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đến năm 2020" đã thận trọng đề nghị các đồng nghiệp và các nhà quản lý là nên "nói ít, làm nhiều hơn". Và ở đây ông vẫn nhắc lại việc phát triển và thu hút nhân tài, hoàn cảnh đặc biệt phải có biện pháp đặc biệt, "hết sức tránh đầu óc tỉnh lẻ" (provincialism) và tư duy tiểu nông" (tr. 315).

Các bài viết trong sách "Xin được nói thẳng" đều đã được đăng trên "Tia Sáng" trong hơn hai chục năm, bắt đầu từ 1990. Khi đọc từng bài ở mỗi số tạp chí riêng lẻ ấn tượng đã mạnh. Nay được tập hợp lại trong một cuốn sách dày hơn 400 trang in khổ to, chia thành các phần tập trung theo chủ đề, ấn tượng chúng để lại cho người đọc càng mạnh mẽ. Thật đáng cảm phục và kính nể một con người luôn đau đáu với mọi vấn đề của đất nước, luôn cập nhật thời sự các biến động trong đời sống xã hội, luôn suy nghĩ sâu sắc thấu đáo và luôn viết ra những ý kiến của mình thẳng thắn, trung thực, đầy tâm huyết và trách nhiệm!

Nhiều chuyện, nhiều vấn đề giáo sư Hoàng Tụy nêu lên, đặt ra, đề xuất, góp ý, kiến nghị từ 10-20 năm trước đến nay vẫn còn ý nghĩa thời sự. Đương thời không phải không có những phản ứng thế này hay thế khác đối với nhiều ý kiến mạnh mẽ thẳng thắn của ông. Nhưng ông vẫn giữ cho mình tư thế đứng thẳng của một nhà khoa học thực thụ, của một người trí thức chân chính. Đến nay nhìn lại nhiều chuyện ông nói đến bạn sẽ thấy có cái đã thành kết quả, có cái vẫn dở dang, lại có cái dường như chưa thay đổi. Tuy nhiên, điều ý nghĩa hơn khi đọc tập sách này là bạn sẽ được truyền cảm hứng phản biện từ thái độ nhiệt huyết, tinh thần xây dựng, phong cách thẳng thắn của một nhà toán học nổi tiếng, một nhà trí thức lớn. Điều này càng được củng cố và nhân lên qua những hồi ức kỷ niệm của các đồng nghiệp học trò nhớ về giáo sư Hoàng Tụy.

Cuốn sách ra đời khi giáo sư Hoàng Tụy còn sống. Ông còn kịp viết một lời cuối cho cuốn sách của mình mà giờ đây bạn đọc sẽ thấy như một di chúc tinh thần ông để lại cho các thế hệ sau trong một niềm trăn trở lo âu hy vọng cho dân tộc giống nòi Việt Nam. Tôi muốn đọc cùng bạn toàn văn những lời ấy của nhà toán học Hoàng Tụy – người yêu nước mình.

"Một cá nhân thay đổi đã khó, một đất nước thay đổi càng khó gấp bội. Nhưng nếu không thay đổi thì làm sao thích ứng với môi trường xung quanh, với thế giới, với thời đại biến chuyển không ngừng mà không thích ứng được thì sớm muộn sẽ bị đào thải. Đó là quy luật tự nhiên.

Đất nước ta hiện còn nhiều cái cũ kỹ, lỗi thời, ngược hẳn với thế giới văn minh. Cái sự chẳng giống ai đó không phải là độc đáo, không phải là sự khác biệt làm nên giá trị riêng giúp chúng ta đồng hành với thế giới mà không bị lẫn với ai. Đó chẳng qua chỉ là sự không thức thời, sự bảo thủ sinh ra từ cố chấp, chủ quan và tự mãn.

Đầu năm 2015, tôi có chúc bạn bè xa gần lấy cảm hứng từ câu thơ của Bùi Giáng:

"Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trường, miên trường phía sau".

Câu thơ cũ mà như vận vào thời sự đất nước hôm nay.

Mong những ai đó còn mải ngủ say hãy tỉnh lại, cùng với nhân dân chung tay xây dựng một mùa xuân mới cho đất nước.

Thế giới đã khác xưa lắm rồi. Nếu cứ để đất nước mãi tụt hậu thì chúng ta có tội với tiền nhân, với con cháu!

Hơn lúc nào hết, hãy can đảm từ giã tất cả những gì cũ kỹ, đã từ lâu không còn phù hợp. Để cho đất nước nở hoa. Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau!"

Bạn hãy nghe những lời nói thẳng và những lời tâm sự chân tình thiết tha của giáo sư Hoàng Tụy trong cuốn sách này khi vừa dịp giỗ đầu của ông. Bạn hãy tiếp nhận nguồn cảm hứng phản biện của ông để đóng góp phần mình xây dựng đất nước.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 20/7/2020