Đọc sách cùng bạn: Nâng giá văn

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 17/07/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi mang đến bạn cuốn sách "Viết khi tâm đắc" là tập tiểu luận, phê bình, chân dung của nhà nghiên cứu văn học Văn Giá.
Bình luận 0

Như phụ đề tên sách đã ghi, cuốn sách này có ba mảng, trong đó nổi lên là mảng phê bình. Văn Giá là người sống trong/cùng văn chương đương đại ngay từ công việc chuyên môn của mình là quản lý và giảng dạy ở Khoa Viết văn – Báo chí tại Đại học Văn hóa Hà Nội. Anh bắt nhạy/bắt tinh những sóng từ trường văn chương phát ra từ các tác phẩm tác giả cùng thời mình. Và anh có hứng thú viết về những cái đó.

Đọc sách cùng bạn:  Nâng giá văn - Ảnh 1.

Đọc các truyện ngắn của Nguyễn Thị Phước, nhà văn ở Nghệ An, anh thấy ở đó một "cuộc kiếm tìm bản thể nữ" với những phận đàn bà đủ các loại. Đọc tiểu thuyết "Phố Hoài" của Trần Thị Trường, nhà văn ở Hà Nội, anh lại thấy "một lối viết nữ khác biệt". Đọc tập truyện "Giọt nước mắt màu nâu đất" của Đức Ban, nhà văn ở Hà Tĩnh, anh thấy tác giả là "nhà văn của những kiếp ba đào thời hiện đại". Đọc tập thơ "Ở thế gian" của Đỗ Trọng Khơi, nhà thơ ở Thái Bình, anh thấy ra "căn thơ lục bát" của người thơ này. Đọc các sách của Nguyễn Nhật Ánh, anh thấy đó là một "hiệp sĩ của tuổi thơ". Đọc thơ Trần Hùng, nhà thơ ở Cao Bằng, anh nhận thấy đó là "thơ của niềm "trinh tĩnh" đầu nguồn". Anh có một bài viết khá kỹ về "Đợt sóng cách tân đầu tiên của thơ Việt sau 1975" qua ba trường hợp nhà thơ Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều. 

Lướt qua đầu đề mấy bài viết đủ thấy Văn Giá theo sát đời sống văn chương và kịp thời có tiếng nói phân tích, đánh giá của mình. Viết về một tập sách hay viết về cả một sự nghiệp anh đều muốn tìm đến cái lõi văn của truyện, của thơ, của tác giả. Một bài viết như thế là kết quả không chỉ của cái đọc trực tiếp tức thì, mà còn của cả một quá trình theo dõi, nghiền ngẫm, và chờ đợi. Và khi viết Văn Giá luôn tìm cách định danh một tính chất, một đặc điểm của tác phẩm, tác giả, bằng những câu chữ khêu gợi kích thích sự cảm sự nghĩ và cả sự tranh luận của người đọc.

VIẾT KHI TÂM ĐẮC

Tác giả: Văn Giá

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020

Số trang: 275

Số lượng: 1000

Giá bán: 139.000đ

Nhưng không chỉ hiện tại. Trên hành trình làm văn học của mình, Văn Giá đã có dịp trở về quá khứ để gặp Vũ Bằng, Nguyễn Vỹ, Kiều Thanh Quế. Đặc biệt anh như có duyên với Vũ Bằng không chỉ qua các bài viết mà còn qua việc làm giúp khôi phục danh tiếng và vị trí của nhà văn này trên văn đàn. Anh đánh giá cao thiên hồi ký "Bốn mươi năm nói láo" viết về nghề báo của nhà văn họ Vũ. Cũng vậy, anh đề cao cuốn tự truyện "Văn thi sĩ tiền chiến" của Nguyễn Vỹ, nhất là ở chỗ nó được viết "với một giọng văn chân thành, sôi nổi, nhiều khi suồng sã, thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với các ý kiến khác; không thích vòng vo, nói tránh, nói giảm, nhã/uyển ngữ" (tr. 35). Anh giới thiệu với bạn đọc một quan niệm phê bình văn học của Kiều Thanh Quế ở buổi đầu ra đời bộ môn này là phát hiện, khẳng định và phê phán.

Văn Giá chia cuốn sách thành hai phần. Phần một tiêu đề "Người xa về lại" viết về những người đã khuất. Phần hai "Cùng người hôm nay" viết về những người đang sống. Đấy là tính theo thời gian. Còn thì ở hai phần đều xen kẽ các bài của cả phê bình, tiểu luận, chân dung. Anh viết chân dung ở đây là qua tác phẩm, qua hành trạng văn chương của các văn thi sĩ. Như khi viết về nhà văn hóa học Đoàn Văn Chúc, anh nói tới kiểu thơ "nhàn rỗi" của ông. Hay như khi nói tới trường hợp nhà văn Dương Thị Xuân Quý, anh bàn về một kiểu nhà báo – nhà văn chiến tranh.

Anh viết về tùy bút của Chu Văn Sơn, một người bạn, người đồng nghiệp thân thiết, không chỉ một bài mà hai bài. Sơn trong mắt Giá là "người lụy đẹp", từ đó là "người sinh nở cái Đẹp". Đó là cái Đẹp trong phê bình văn chương. Văn Giá viết về bạn cũng là chia sẻ sự đồng cảm của mình: "Với phê bình, anh cho rằng mỗi bài phê bình cũng phải là một áng văn hay. Trên thực tế, những bài phê bình hay đều có thể gọi là "tác phẩm", tác phẩm phê bình. Ở đó, cùng với phẩm chất khoa học như một đảm bảo cho bài phê bình không rơi vào cảm tính thì cần phải có phẩm tính văn chương; đến lượt mình, phẩm tính này làm nhiệm vụ chuyển hóa những ý tưởng khoa học thành những rung cảm nghệ thuật, làm nên một "chất văn" đặc sắc" (tr. 101-102). Anh viết về "Ông "tái thiết ngôn ngữ" Lã Nguyên "vừa đời vừa học thuật, nói được những đóng góp khoa học mới mẻ cho văn học của nhà nghiên cứu này, lại khắc họa được một lối sống con người. "Ở đâu có ông, ở đó có tiếng cười. Dường như con người này đã thấy thấm thía việc ứ thừa cái nghiêm trang lắm khi vô ích, giả dối, mà thiếu cái trào tiếu nhẹ nhõm thật lòng trong giao tiếp hàng ngày. Nhờ một cách sống như vậy, ông có vẻ đang tiến gần tới hình ảnh của một bậc hiền minh. Xét theo nghĩa ấy, ông đang là người hạnh phúc" (tr. 127).

Tập sách mang tên "Viết khi tâm đắc" nghĩa là có hàm ý những bài viết trong tập là những bài tác giả tâm đắc. Ở lời vào sách, Văn Giá có giãi bày là lâu nay hành nghề phê bình văn chương anh thường viết với hai lý do: "một, đối tượng viết khiến chủ thể viết là tôi khoái thú; hai, tự thấy nể vì ai đó". Càng ngày anh thấy chỉ nên viết vì lý do thứ nhất. Cho nên tập sách này anh chỉ chọn lấy những bài mình tâm đắc là vì vậy. Và cũng là vì anh thấy tâm đắc với câu nói của người thầy Hoàng Ngọc Hiến: "Tôi viết phê bình để làm "sáng giá" và "sang giá" những tác phẩm tôi tâm đắc" mà anh đã lấy làm đề từ cho tập sách.  Thực ra, đây là một cuốn sách tập hợp các bài viết trong nhiều thời điểm, hoàn cảnh, ví như có bài là tham gia một hội thảo, có bài là viết cho một công trình chung. Nhưng nó có chung một chủ điểm là văn chương Việt Nam hiện đại nên đọc nó bạn cũng sẽ thấy được một vài nét phác. Nhất là qua giọng văn phê bình của Văn Giá nhẹ nhàng, rõ ràng, đọc thấy thú vị và hấp dẫn.

Khi dựng sách này, Văn Giá có ngỏ lời tôi viết mấy dòng in bìa bốn. Đây là mấy dòng của tôi: "Tôi thấy Ngô Văn Giá làm văn chương là hợp người hợp tên. Bậc sinh thành đã cho ông một cái tên mà luận nghĩa ra là "người làm sang/sáng giá văn" đúng như câu của ông thầy mà ông đã lấy làm đề từ cho sách này. Chữ "Giá" nghĩa "giá trị" theo Hán Việt có bộ "Nhân". Đọc văn phê bình của ông thấy lành và đẹp. Lời đẹp và lòng lành. Ông viết những điều tâm đắc về các người văn hiện thời, người đã nằm xuống, người đã/đang đứng lên, đầy trân trọng và yêu mến. Đỗ Phủ có câu "Văn chương thiên cổ sự / Đắc thất thốn tâm tri" ("Văn chương là chuyện ngàn đời / Được mất chỉ có lòng người biết thôi"), mỗi người viết xưa nay thả chữ vào đời vào văn cũng là để tìm người tri âm. Tôi đọc Văn Giá trong tâm văn ấy".

Văn Giá viết phê bình nghiên cứu và còn cả sáng tác. Anh đã in mấy tập truyện ngắn. Sau cuốn sách này anh đang tính thôi viết phê bình, chuyển sang viết cái khác, có thể là chuyên về sáng tác. Thế kể cũng là một điều tiếc khi cái viết phê bình của anh vẫn đang duyên.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 16.7.2020

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem