Dân Việt

Chưa cân nhắc việc dừng tăng lương tối thiểu năm 2021

Thùy Anh 17/06/2020 11:04 GMT+7
Đây là thông tin được bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đưa ra trong Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2020.

Bà Ngân cho biết, dịch Covid -19 đã tác động sâu rộng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đời sống của công nhân, lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Tổng Liên đoàn cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ tiền mặt (500.000 đồng/lao động bị ảnh hưởng) và kêu gọi cán bộ công đoàn chuyên trách trích một ngày lương trong vòng 3 tháng để hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Về vấn đề đàm phán tăng lương tối thiểu trong năm 2021, bà Ngân cho biết, dù kinh tế khó khăn, nhưng việc tăng hay không tăng lương tối thiểu là vấn đề cần nghiên cứu đánh giá cụ thể. Quan điểm của Tổng Liên đoàn về tiền lương là các cấp công đoàn sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp. Hiện nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia năm 2020 cũng đang chuẩn bị có những phiên họp đầu tiên.

Chưa cân nhắc dừng tăng lương tối thiểu năm 2021 - Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng trước bối cảnh kinh tế khó khăn có thể xem xét dừng tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021.

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid -19  tới đời sống người lao động. Tuy nhiên, hiện nay chưa có kết luận chính thức vì thế phải chờ số liệu của Viện nghiên cứu Tổng Liên đoàn trước khi đề xuất việc có tăng lương tối thiểu hay không?" - bà Hồ Kim Ngân nói.

Quyết định đưa ra luôn phải được dựa trên quan điểm của 3 bên là: Tổng Liên đoàn Lao động; Bộ LĐTBXH và Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI). Các quan điểm đưa ra phải  xem xét theo các chỉ số tiêu dùng; chỉ số GDP... Chính bởi vậy, lúc này chưa thể nhận định là có thể dừng tăng lương tối thiểu hay không.  

Về một số vấn đề khác có liên quan, như việc thực hiện gói hỗ trợ Covid -19, ông Vũ  Hồng Quang - Phó trưởng Ban Chính sách xã hội và Thi đua khen thưởng cho biết, việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ còn chậm.

Ông Quang nói: "Có những điều kiện quá chặt chẽ, không thể thực hiện được. Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn thực hiện. Khi chúng ta đã dồn tâm sức, dồn kinh phí trong bối cảnh khó khăn thì cần phải thực hiện sao cho kịp thời, đảm bảo tính nhân văn".

Việc triển khai cần đúng thời hạn với những đối tượng còn lại. Theo quyết định sẽ thực hiện chi trả đến hết 30/6 nhưng chưa có thời điểm cụ thể kết thúc chương trình.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định: Dịch Covid -19 sẽ còn tác động mạnh mẽ hơn nữa tới đời sống công nhân lao động, hoạt động sản xuất kinh tế. Điều này cho thấy tình hình việc làm của người lao động sẽ còn gay gắt hơn trong thời gian tới. Chính bởi vậy, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng hỗ trợ những lao động chịu tác động đó.

"Trước tình thế đó, Tổng Liên đoàn đã tính giải pháp tháo gỡ khó khăn cả về trước mắt, lâu dài cho người lao động" - ông Hải nói.

Lương tối thiểu vùng là mức lương được áp dụng cho khối doanh nghiệp, áp dụng theo 4 vùng cụ thể. Mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng định kỳ hàng năm để tiệm cận, đáp ứng mức sống tối thiểu vùng.