"Khất nợ" tăng lương công chức, Chính phủ thêm nguồn lực cho an sinh xã hội

Minh Nguyệt Thứ tư, ngày 27/05/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo tính toán, dịch Covid-19 đã làm tổng thu ngân sách giảm, hụt thu khoảng 163.000 tỷ đồng. Trước tình thế đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chưa tăng lương cho công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách.
Bình luận 0

Quyết định này là sự chia sẻ của khu vực Nhà nước với các khu vực khác đang gặp rất nhiều khó khăn khác.

Lộ trình tăng lương sẽ thay đổi

Mức lương cơ sở vùng hiện tại là 1.490.000 đồng, theo dự kiến thì 1/7/2020 mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1.600.000 đồng. Tuy nhiên, trên thực tế không thể có đủ ngân sách đáp ứng cho việc tăng lương này nên chính phủ đã phải tạm dừng.

Điểm 7, Điều 2 của Nghị quyết 86 năm 2019 về dự toán ngân sách năm 2020, đã quyết định thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020.

Quyết định cũng yêu cầu thực hiện triệt để các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương, tiết kiệm chi, gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025. Mặc dù quyết định vậy, nhưng do ngân sách eo hẹp nên tới nay Chính phủ đã quyết định tạm dừng tăng lương theo lộ trình. Điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới lộ trình cải cách tiền lương.

Ông Nguyễn Quang Dũng - vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho biết theo nghị quyết của Quốc hội, năm 2020 sẽ tăng lương khoảng 7,32% (khoảng 110.000 đồng/tháng) và tính từ ngày 1/7/2020. Tới nay Bộ Nội vụ cũng chưa có đánh giá ảnh hưởng cụ thể của việc dừng tăng lương cơ sở tới các nhóm đối tượng có quyền lợi.

"Tuy nhiên theo tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là trong bối cảnh doanh nghiệp, người lao động khu vực ngoài nhà nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh thì công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách cần chia sẻ với xã hội" - ông Dũng nói.

Người hưởng lương ngân sách ít khó hơn khu vực tư nhân - Ảnh 1.

"Tiền không có, dừng tăng lương là đúng!"

Đánh giá về quyết sách tạm dừng tăng lương cơ sở, ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định: "Tiền không có, ngừng tăng lương là đúng!".

Ông Huân cho rằng, không có tiền thì dù có mong muốn tăng lương thế nào chúng ta cũng phải chịu. Người lao động sẽ phải tiếp tục chia sẻ, đồng thuận, thấu hiểu với Chính phủ.

"Dù không tăng lương nhưng lương của khu vực Nhà nước cũng không bị giảm đi. Trong khi đó, khu vực tư nhân mức lương này đã giảm nhiều. Rõ ràng tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách năm nay giảm thì ngân sách chi cho tiền lương cũng phải cân đối lại chứ không thể tăng chi như dự kiến. Việc khất nợ lương ở khu vực công cũng giúp Chính phủ có thêm nguồn lực để tăng chi an sinh xã hội cho các khu vực khác" - ông Huân nói.

Vấn đề bây giờ không phải là tăng lương nữa mà phải giữ được giá. Giá cả giữ được thì tác động của việc dừng tăng lương không lớn. Đời sống của người lao động nói chung và cán bộ công nhân, viên chức về cơ bản sẽ vẫn được giữ ổn định.

Quyết định không mong muốn

"Đất nước đang đứng trước khó khăn thử thách do dịch Covid -19, vì thế việc Chính phủ tạm dừng tăng lương cơ sở cũng là phù hợp. Quyết định này chắc chắn không ai mong muốn nhưng sẽ nhận được sự ủng hộ chia sẻ của hàng triệu cán bộ, công nhân viên chức. Thời gian qua do dịch bệnh, kinh tế khó khăn, hàng chục triệu lao động khu vực ngoài nhà nước bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm. Trong bối cảnh đó đã có rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ một phần tài sản, bỏ công sức để thực hiện chương trình thiện nguyện, hỗ trợ cộng đồng. Vậy thì không có lý do gì, công nhân, viên chức, người lao động hưởng lương khu vực ngân sách nhà nước lại không chấp nhận được việc tạm dừng tăng lương".

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc Hội


Sẽ ủng hộ việc tạm dừng tăng lương cơ sở

"Mặc dù mức lương của công nhân viên chức khá thấp nhưng tôi vẫn đồng thuận với việc tạm ngừng tăng lương cơ sở. Hy vọng điều này sẽ góp cho Nhà nước có được nguồn lực để đẩy mạnh tích lũy, khôi phục và phát triển kinh tế. Tôi tin rằng đó cũng là suy nghĩ chung của cán bộ, công nhân, viên chức lúc này".

Chị Nguyễn Thị Lan - Bệnh viện Nhi Trung ương

"Tôi theo dõi thấy Chính phủ chỉ đạo việc phòng chống dịch Covid -19 rất rốt. Thế nhưng các chương trình hỗ trợ vẫn còn chậm, nhiều người còn chưa tiếp cận được hỗ trợ. Đây là vấn đề cần được làm nhanh, làm gấp. Việc tạm dừng tăng lương cũng được xem là biện pháp để dành nguồn lực ưu tiên giải quyết vấn đề dân sinh trước mắt" - ông Huân nói. Đồng ý với việc chưa tăng lương cơ sở trong bối cảnh hụt thu, ngân sách khó khăn, ông Đào Quang Vinh - chuyên gia lao động cũng cho rằng đây chỉ là bước tạm dừng. Về lâu dài chúng ta vẫn phải tăng lương theo kế hoạch, nhằm thực hiện cải cách tiền lương bởi lương của khu vực công - tư đang có sự chênh lệch rất lớn.

Ông Vinh cũng đề xuất nên chăng, có thể cân nhắc việc tăng lương cho cán bộ công chức dựa theo các nhóm đối tượng. Theo đó với nhóm có thu nhập cao thì tăng vừa phải, thậm chí tạm ngừng tăng lương. Còn với nhóm có thu nhập thấp thì vẫn nên tăng, bởi khu vực công lao động nhóm này vẫn chịu ảnh hưởng. Mức tăng có thể thấp hơn 7,3% so với dự kiến tăng lương theo Nghị quyết 86/năm 2019.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem