Từ khi thương chiến Mỹ Trung bùng nổ đến nay, Mỹ đã đưa 11 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen năm 2018 và 42 thực thể Trung Quốc khác vào danh sách đen năm 2019. Tính trong 5 tháng đầu năm 2020, đã có thêm 35 thực thể Trung Quốc khác lọt danh sách đen của Mỹ bao gồm Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân.
Trong khi hàng loạt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Huawei, Hikvision và SenseTime từ lâu đã bị hạn chế quyền truy cập vào công nghệ Mỹ, việc Mỹ đưa thêm hàng loạt tổ chức giáo dục Trung Quốc vào danh sách đen mới đây đã đẩy cuộc chiến tranh công nghệ sang một giai đoạn mới. Danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ ngụ ý các doanh nghiệp Mỹ cần được chính phủ cấp phép đặc biệt nếu muốn làm ăn hoặc chuyển giao công nghệ cho các thực thể trong đó.
Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân (HIT) thời gian qua đã chứng kiến những hệ lụy rõ rệt khi bị đưa vào danh sách đen, qua đó chấm dứt quyền truy cập vào các phần mềm kỹ thuật, công nghệ quan trọng của Mỹ. Mới đây nhất, hồi tuần trước, hàng loạt người dùng thuộc HIT đã gửi khiếu nại do không thể truy cập vào phần mềm MATLAB do công ty MathWorks của Mỹ phát triển. Phần mềm này được sử dụng phổ biến bởi các sinh viên kỹ thuật trong công tác nghiên cứu và thí nghiệm hàng ngày.
Công ty cung cấp phần mềm MathWorks (Mỹ) sau đó hồi đáp trường đại học của Trung Quốc rằng họ không thể cung cấp quyền truy cập các sản phẩm này do sự thay đổi chính sách từ phía Washington, tờ Nikkei Asian Review đưa tin. Việc lọt danh sách đen cũng buộc HIT đình chỉ kế hoạch hợp tác đào tạo với Đại học Arizona, hay chương trình trao đổi học thuật với Đại học California, Berkeley của Mỹ.
Cùng với HIT, Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Như vậy, hai trường đại học này hiện không thể nhập khẩu thiết bị công nghệ hoặc phần mềm từ Mỹ nếu không được Washington chấp thuận. Mặc dù chính phủ Bắc Kinh đang nỗ lực tìm kiếm các nhà cung cấp công nghệ ngoài Mỹ để mở rộng nguồn cung, nhiều nhà quan sát nhận định việc mất quyền truy cập vào công nghệ Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công tác nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học Trung Quốc.
Không chỉ tác động đến quyền truy cập công nghệ Mỹ, căng thẳng chính trị còn gây hệ lụy đến lĩnh vực trao đổi học thuật giữa các trường đại học Mỹ và Trung Quốc. “Đối với các trường đại học nằm trong danh sách đen, các tổ chức học thuật Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc xem xét hợp tác” - theo ông Paul Triolo, chuyên gia nghiên cứu công nghệ tại Tập đoàn tư vấn Eurasia. “Các tổ chức học thuật Mỹ sẽ phải cân nhắc một cách thận trọng về độ tin cậy khi hợp tác với các tổ chức Trung Quốc có liên quan đến chương trình quân sự hoặc nghi vấn gây tranh cãi khác”.
Các trường đại học Trung Quốc được cho là đóng vai trò quan trọng trong tham vọng lãnh đạo công nghệ toàn cầu của Bắc Kinh. Cùng với việc đào tạo các nhà khoa học, kỹ sư và lập trình viên lành nghề cho các công ty trong nước, các trường đại học cũng trực tiếp cung cấp nhân lực cho các ngành công nghệ tiên tiến.
Dù ít được biết đến ở nước ngoài nhưng Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân HIT là trường đại học đầu tiên của Trung Quốc chế tạo thành công máy tính chơi cờ và robot hàn hồ quang. HIT cũng vượt mặt Viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Stanford của Mỹ để giành vị thế hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật điện và điện tử, theo bảng xếp hạng Các trường đại học tốt nhất thế giới của US News & World Report.
Đáp lại các hành động của Mỹ, Bắc Kinh coi đây là động thái tấn công mới nhất của Washington trên chiến trường công nghệ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh sau đó tuyên bố: “Động thái này phản ánh tư duy chiến tranh lạnh đã ăn sâu tại Mỹ”. Bà này cáo buộc đây là “cuộc đàn áp chính trị” chống lại Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu ngành công nghệ mới nổi của Trung Quốc có thể vươn lên vị thế tiên phong một khi mất quyền truy cập vào nền tảng phần mềm và phần cứng của Mỹ?
Một nhà nghiên cứu từng làm việc tại Viện công nghệ vũ trụ thuộc Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cho hay phòng thí nghiệm ông công tác phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ Mỹ. Do đó, việc tìm kiếm một giải pháp thay thế là gần như không thể.
“Hầu hết các phần mềm giả lập đều nhập khẩu từ Mỹ. Không có quốc gia nào cung cấp các phần mềm như vậy” - vị chuyên gia giấu tên tiết lộ. Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân được xem là “xương sống” của ngành công nghiệp du hành vũ trụ Trung Quốc. Trường này thiết kế, chế tạo và phóng thử nghiệm các vệ tinh, đồng thời tham gia mật thiết vào các sứ mệnh không gian lớn của Trung Quốc.
Không có thống kê cụ thể về việc có bao nhiêu phòng thí nghiệm HIT bị gián đoạn do danh sách đen của Mỹ, nhưng tờ Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin các học giả và sinh viên trong trường cho thấy sự ảnh hưởng là vô cùng rõ rệt. Một sinh viên ngành kỹ thuật dân dụng cho biết đã mất quyền truy cập ít nhất 2 công cụ quan trọng sử dụng để hỗ trợ thiết kế và mô phỏng kỹ thuật. Một sinh viên y sinh khác của HIT thì cho hay phòng thí nghiệm của trường sử dụng các chipset cao cấp của Mỹ để phân tích, xử lý các hình ảnh y tế và rất khó tìm nguồn cung thay thế. “Các công ty Trung Quốc như Huawei cũng đã phát triển mảng chip trí tuệ nhân tạo, nhưng không phải tất cả các sản phẩm của họ đều có chất lượng tương đương hoặc tiêu chuẩn toàn cầu như các chip do Nvidia của Mỹ thiết kế".
Tờ Nikkei nhận định sinh viên và học giả học tập tại các trường đại học Trung Quốc trong danh sách đen đang phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng từ cộng đồng khoa học quốc tế. “Về lý thuyết, danh sách đen không ảnh hưởng lớn đến sự trao đổi kiến thức. Nhưng trên thực tế, rất ít trường đại học tại Mỹ cảm thấy thoải mái khi hợp tác liên kết với các trường đại học trong danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ”.
Ngay cả các nhà khoa học Trung Quốc cũng gặp khó khăn khi đến Mỹ tham gia công tác nghiên cứu. Chính quyền Tổng thống Trump được cho là đang xem xét trục xuất các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc có mối liên hệ trực tiếp với các trường đại học có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Có ít nhất 3.000 sinh viên sẽ bị ảnh hưởng nếu dự luật trục xuất như vậy được thông qua.
Các nhà quan sát nhận định danh sách đen của Mỹ khó chấm dứt hoàn toàn sự phát triển công nghệ cao của HIT nói riêng và các trường đại học Trung Quốc nói chung, nhưng chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng phần nào, làm chậm lại công tác nghiên cứu. Và danh sách đen có thể chỉ là bước đầu tiên trong nỗ lực “đàn áp công nghệ Trung Quốc” của chính quyền Trump.