Dân Việt

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong không dùng khái niệm "xuất khẩu lao động"

Thành An 17/06/2020 18:25 GMT+7
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung mong muốn từ nay trở đi không dùng khái niệm "xuất khẩu lao động" mà sử dụng từ trong luật này để điều chỉnh.

Cuối giờ chiều ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đã tiếp thu, giải trình và làm rõ thêm một số ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau 12 năm thực hiện, Luật đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài (Luật số 72) đã từng bước đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả rất thiết thực trong lĩnh vực này.

Hàng năm có khoảng hơn 100.000 người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hình thức hợp đồng. Hiện nay, cả nước có khoảng 580.000 người Việt Nam đang lao động tại nước ngoài. Chúng ta đang tham gia vào thị trường 43 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau.

Những thị trường truyền thống tiếp tục được duy trì như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Chúng ta cũng mở được một số thị trường mới như Đức, Ba Lan, Rumania và gần đây là Hungaria.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mặc dù thời gian qua tình trạng lao động bỏ trốn ở lại bất hợp pháp được cải thiện. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức, yếu kém.

"Vừa qua chúng ta có nhiều vấn đề khó khăn cần tháo gỡ, đặc biệt là thị trường lao động. Một số hạn chế mà chúng ta lưu ý đó là tình trạng lao động bỏ trốn, lao động bất hợp pháp" - ông Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần lưu ý tình trạng lao động bỏ trốn, lao động bất hợp pháp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung.

Cùng đó, hiện nay vẫn còn một số hiện tượng khó khăn, thách thức, tồn tại như tình trạng thuê môi giới bất hợp pháp; tình trạng trốn ở lại, vi phạm hợp đồng. Đặc biệt với huyện nghèo, mặc dù Bộ rất quan tâm nhưng việc đưa người dân đi lao động không nhiều.

"Vừa qua Bộ và các địa phương cũng chấn chỉnh rất nhiều vấn đề này" – ông Dung nói và cho biết, đã xử phạt tới 118 doanh nghiệp trong tổng số 459 doanh nghiệp. Do đó, tình hình có nhiều tiến bộ.

Về hình thức người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, người đứng đầu ngành LĐTBXH cho biết, hiện nay các hình thức: Lao động đi qua doanh nghiệp được cấp giấy phép của Bộ; đi qua doanh nghiệp trúng thầu nhận công trình ở nước ngoài; qua doanh nghiệp và cá nhân tổ chức đầu tư ra nước ngoài; theo hợp đồng lao động tự do được giao kết hợp đồng và đăng ký với cơ quan quản lý lao động địa phương.

Đề cập lao động ở nước ngoài thông qua kỳ nghỉ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh phải đưa vào luật và hiện đang thí điểm ở thị trường Australia. Năm 2020 có 1.500 trường hợp được đi, đăng ký qua Bộ và sau khi được Sứ quán ở Australia nhất trí thì quá trình du lịch mới được lao động, khác với việc ai đó sang nước bạn rồi mới tìm kiếm việc làm.

Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, cách đây khoảng 2 năm xuất hiện hình thức giữa các địa phương ở Việt Nam với địa phương ở nước khác hợp tác ngắn hạn với nhau sang đó lao động hết thời vụ trở về.

Đây là hình thức thứ 5, gọi là lao động ngắn hạn. Vì vậy, UBND tỉnh ký kết theo điều ước, hợp tác về lao động thì phải có cơ quan giúp cho UBND tỉnh. 

Đây chính là đơn vị sự nghiệp, hay nói cách khác, đơn vị sự nghiệp này chính là trung tâm lao động trực thuộc UBND tỉnh hoặc trung tâm lao động trực thuộc Sở LĐTBXH. Đơn vị này không phải là pháp nhân mới và chỉ giúp cho UBND thực hiện quản lý nhà nước và đưa người lao động sang. Đơn vị tương đương như đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành mà chúng ta đã cho phép ở Luật 72.

"Các loại hình ngoài 5 loại hình này không phải lao động do luật này chi phối. Nếu lao động không theo hợp đồng thì không theo luật này chi phối" - Bộ trưởng Dung nói và liệt kê những trường hợp như lao động đi theo con đường không có hợp đồng lao động, di cư tự do, di cư bất hợp pháp, đi theo lao động đường biên...

Đáng chú ý, Bộ trưởng LĐTBXH nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn Quốc hội ủng hộ từ nay trở đi không dùng khái niệm "xuất khẩu lao động" mà sử dụng từ trong luật này để điều chỉnh. Ngoài ra, Luật quy định rõ không có sự tham gia của nước ngoài, không có đóng góp cổ phần, góp vốn, sở hữu hay đứng pháp nhân lĩnh vực này".