Dân Việt

Hóa đơn tiền điện tăng vọt, vì sao nhiều người dân phản ứng?

Thanh Phong 19/06/2020 15:35 GMT+7
Thời gian qua, nhiều người dân “tá hỏa” với hoá đơn tiền điện khi kỳ thanh toán tháng 5, 6 gấp đôi các tháng 3, 4.

Không ở nhà phải trả tiền điện cao hơn khi "giãn cách xã hội"

Theo anh Nguyễn Văn Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua, trong tháng 3, 4, khi thực thi "giãn cách xã hội", gia đình anh ở nhà 24/7. Những tưởng, với thói quen bật điều hoà bất kể nóng hay lạnh, đây sẽ là thời gian phải trả tiền điện nhiều nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, hóa đơn tiền điện gia đình anh Long nhận được chỉ từ 1.500 đến 1.800 kWh với tổng số tiền thanh toán ở mức 4.000.000 đến 5.000.000 đồng.

Đến tháng 6, khi nhận được hóa đơn tiền điện, vợ chồng anh Long "tá hỏa" khi nhận được thông báo đã sử dụng lượng điện gấp đôi và phải trả tới gần 9.000.000 đồng. Điều đáng nói, đây là thời gian sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, cả gia đình anh đã làm việc bình thường và chỉ sử dụng điện vào buổi tối.

Hóa đơn tiền điện tăng vọt, vì sao nhiều người dân phản ứng? - Ảnh 1.

Hóa đơn tiền điện tăng vọt bất thường khiến nhiều người dân phản ứng thời gian qua.

"Do đặc thù công việc nên tôi thường xuyên đi công tác tỉnh. Nếu có ở Hà Nội thì cũng đi làm đến 8 - 9h tối mới về nên việc sử dụng điện ở nhà ko có mấy. Cho đến khi có lệnh giãn cách xã hội, phải ở nhà 24/7 và điều hoà cũng bật 24/7 trong tháng 3 và tháng 4.

Những tưởng số điện sử dụng tại nhà trong 2 tháng này sẽ cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, khi nhận được tin nhắn yêu cầu thanh toán tiền điện tháng 6 thì tôi không tin vào mắt mình. Nếu tháng 4, tôi ở nhà 24/7 và sử dụng 1.500 kWh thì tháng 6 vọt lên gấp đôi ở mức hơn 3.000 kWh mặc dù mình đi công tác đến gần nửa tháng ko ở nhà", anh Long cho hay.

Sau đó, gia đình anh Long đã liên hệ và được bộ phận kỹ thuật của EVN Hà Nội đến kiểm tra. Tuy nhiên, theo chia sẻ của anh Long, đơn vị này chỉ kết luận "xanh rờn" rằng không có lỗi kỹ thuật và với mức sử dụng như vậy có thể sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

"Theo tôi, dù phải trả bao nhiêu tiền cũng ko có vấn đề nếu như đúng. Nhưng tiền điện một tháng không ở nhà cao gấp đôi tháng ở nhà 24/7 thì cần phải xem xét lại. Tôi luôn ủng hộ việc tăng giá điện nếu tương xứng với mức độ sử dụng và trong bối cảnh nguồn điện hữu hạn. Tuy nhiên, việc tăng giá điện khác với tăng số điện, anh Long nhấn mạnh.

Không chỉ anh Long, thời gian qua, nhiều gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trung bình hàng tháng gia đình chỉ mất vài trăm nghìn đồng tiền điện.

"Từ 7/4 đến 6/5, tổng số tiền điện chỉ khoảng 600.000 đồng. Đột nhiên tiền điện tháng này "vọt" lên gần 1,7 triệu đồng khiến chúng tôi rất sốc. Gia đình tôi chỉ sử dụng duy nhất một chiếc điều hòa và thường chỉ bật vào ban đêm. Việc hoá đơn tiền điện tăng đột biến tăng gần gấp 3 lần không thể "đổ lỗi" toàn bộ cho việc sử dụng điều hoà được", chị Hạnh cho biết.

Cần có đơn vị giám sát độc lập

Nhận định về tình trạng trên, đại diện EVN Hà Nội cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo Công ty Điện lực Hoàn Kiếm liên lạc và thống nhất với khách hàng, nếu trong trường hợp cần mang công tơ đi kiểm định.

"Bất cứ khách hàng nào phản ánh về tình trạng hoá đơn tiền điện tăng đột biến, để minh bạch, chúng tôi sẽ mang từng công tơ đi kiểm định", đại diện EVN Hà Nội khẳng định.

Cũng theo số liệu của EVN Hà Nội, từ đầu tháng 6 đến nay, Hà Nội liên tiếp hứng chịu nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt duy trì ở mức trên 39 độ C. Do đó, lượng tiêu thụ điện tại Hà Nội trong ngày 9/6 đã đạt tới mức 89,209 triệu kWh.

Hóa đơn tiền điện tăng vọt, vì sao nhiều người dân phản ứng? - Ảnh 2.

Đã đến lúc cần một đơn vị thanh tra độc lập hoạt động hoạt động cung cấp, thu phí điện?

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, trong năm qua, trên thực tế, giá điện không hề được điều chỉnh tăng. Việc hoá đơn tiền điện tăng mạnh trong những tháng gần đây là do nhu cầu sử dụng nhiều trong tháng cao điểm về nắng nóng. Bên cạnh đó, việc tính giá điện luỹ tiến 6 bậc thang là một trong những nguyên nhân khiến hoá đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt.

Theo đó, hiện nay, giá điện sinh hoạt đang được tính theo 6 bậc thang như sau: Bậc 1 cho kWh từ 0 - 50, tính 1.678 đồng/kWh; Bậc 2 cho kWh từ 51 - 100, được tính 1.734 đồng/kWh; Bậc 3 cho kWh từ 101 - 200, được tính 2.014 đồng/kWh; Bậc 4 cho kWh từ 201 - 300, được tính 2.536 đồng/kWh; Bậc 5 cho kWh từ 301 - 400 được tính 2.834 đồng/kWh; Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên được tính 2.927 đồng/kWh.

Cũng theo đánh giá của ông Long, khác với các loại hàng hoá thông thường, mua nhiều giá càng rẻ. Mặt hàng điện càng dùng nhiều thì chi phí phải trả sẽ tăng luỹ tiến, do bối cảnh nguồn năng lượng có hạn.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thông tin thêm, với cách tính giá điện lũy tiến, sử dụng nhiều tiền đóng càng cao giúp người dân tiết kiệm điện. Tuy nhiên, trong thời tiết nắng nóng, người dân sử dụng nhiều, mà cách tính lại thay đổi thì đây là cách gián tiếp làm tăng giá điện.

Theo ông Doanh, để giá điện được minh bạch, người dân không "nghi ngờ" nên có một đơn vị độc lập vào cuộc để rà soát, kiểm tra. Theo đó, đơn vị này sẽ làm việc với EVN nếu có dấu hiệu bất thường trong cách tính giá điện, ghi chỉ số công tơ. Đặc biệt, đơn vị nêu trên có thể khả năng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan như Cục Quản lý giá, Cục Quản lý Cạnh,… can thiệp.