Một rừng lim cổ thụ không ở nơi rừng sâu núi cao lại hiện diện ngay gần Hà Nội, nơi đồng bằng sông Hồng rộng lớn.
Cánh rừng lim xanh độc đáo này nằm trên quả đồi thấp, bao quanh đền Và tại phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội. Đền Và thờ Thần núi Tản viên Sơn Thánh, là ngôi đền thờ vị thần trong Tứ Bất Tử trong truyền thuyết của Việt Nam.
Cánh rừng lim cổ thụ ước tính hơn nghìn năm tuổi tọa lạc trên vùng đồi rộng 5,7 hecta, có 242 cây lim xanh tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vô cùng độc đáo.
Có những gốc lim to, đường kính 1,5 m phải 2 đến 3 người ôm mới xuể. Người dân trong vùng cũng như khách thập phương khi tới chiêm bái, lễ Thánh tại Đền Và luôn có ý thức gìn giữ rừng lim.
Với những giá trị của mình, 85 cây lim cổ thụ cùng 2 cây ngọc lan và 2 cây đại tại khu di tích lịch sử Đền Và được Hội bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Lim là giống gỗ quý thuộc hàng tứ thiết, theo Lê Quý Đôn, giống cây lim: "Cây to đến mười người ôm, sắc tía đen, rắn chắc như đá, dùng làm nhà cửa, chùa, quán, thuyền bè, đồ đạc".
Với người dân Sơn Tây, khu rừng lim còn có ý nghĩa tâm linh, họ coi đây là khu rừng thiêng với nhiều câu chuyện kỳ lạ. Không một ai xâm phạm cánh rừng này dù chỉ là một cành củi.
Vào những buổi trưa hè nắng nóng, đám trẻ chăn trâu hay những người dân làm lụng vất vả ngoài đồng thường vào nghỉ ngơi bên những gốc lim, tránh nắng dưới những tán lá xum xuê.
Do tác động của thời gian một số cây lim cổ thụ đã bị sâu mục, rỗng ruột, héo cành, một số cây đã chết khô.
Một cây lim xanh có phần thân chết khô nhưng dưới gốc lại đang đâm chồi.
Những cây lim nhỏ ở tầm thấp. Tạm thời để cứu chữa rừng lim cổ, cơ quan chức năng đã đổ thêm đất màu, phun thuốc trừ sâu bệnh, trồng một số cây mới tại vị trí cây đã chết... Song các cách làm này đều chưa hiệu quả, nhiều cây vẫn đang đứng trước nguy cơ chết dần do sự tác động của thời gian và các loại sâu bệnh.