Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô rất lớn - với hơn 60.000 lao động, đóng trên địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM. Do ảnh hưởng của Covid-19, ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn công ty này cho biết: Từ tháng 3 đến nay, doanh nghiệp luôn bị giảm đơn hàng. Đặc biệt, trong tháng 6, lượng đơn hàng giảm đến 50% và tiếp tục giảm mạnh trong 3 tháng tới (tháng 7, tháng 8, tháng 9). Riêng quý 4, công ty vẫn chưa có đơn đặt hàng nào từ đối tác.
Theo báo cáo của Công ty Pouyuen với các cơ quan chức năng của quận Bình Tân vào ngày 18/6: Từ 2 tháng qua, công ty đã thực hiện nhiều biện pháp như điều chỉnh sản xuất, sắp xếp công nhân nghỉ luân phiên chờ việc… Tuy nhiên, tình hình đơn hàng đến quý 3, quý 4 vẫn chưa khả quan, nên phải cho 2.786 công nhân nghỉ việc.
Việc phải cho công nhân nghỉ việc này đã được báo cáo với công đoàn cơ sở và nhận được sự đồng ý. Công ty sẽ không chấm dứt HĐLĐ với các công nhân yếu thế như: Lao động diện hộ nghèo, lao động khuyết tật, trường hợp lao động cùng trong gia đình và các trường hợp không được chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật. Công ty thực hiện báo trước 45 ngày; trong thời gian này, người lao động không phải làm việc nhưng vẫn được hưởng nguyên lương.
Ngoài việc chi trả các chế độ theo pháp luật, công ty sẽ trả cho người lao động mỗi năm làm việc cho công ty 1 tháng lương (bình quân của 6 tháng cuối cùng trước khi chấm dứt HĐLĐ). Đối với tháng lẻ tính theo nguyên tắc trên 6 tháng, được tính là một năm, dưới 6 tháng tính là nửa năm.
Thời gian để tính trợ cấp này không tính vào thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Công ty trả tiền phép năm theo quy định của pháp luật cho người lao động. Thời gian chi trả tiền lương, trợ cấp thôi việc, phép năm là trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.
"Dự kiến sẽ có 6.000 lao động của công ty bị cắt giảm, là những công nhân ở các bộ phận không có đơn đặt hàng. Việc cắt giảm sẽ theo lộ trình trong 3 tháng từ 20/6 đến tháng 8 năm nay" - ông Nghiệp nói.
Mới đây, Công ty TNHH giày da Huê Phong (Gò Vấp, TP.HCM) cũng gửi văn bản lên Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP.HCM về việc thu hẹp hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19.
Dù đã tìm nhiều biện pháp khắc phục nhưng không thể khôi phục như kế hoạch đề ra, công ty đã buộc phải cắt giảm 2.222 công nhân và chuyển cơ sở sản xuất về Trà Vinh.
Không chỉ ngành dệt may, da giày, nhiều doanh nghiệp trong nhóm sản xuất, dịch vụ khác cũng đang rục rịch giảm lương, cắt giảm nhân sự.
Một công ty chuyên về làm các sản phẩm game ở TP.HCM cũng đang tính tới phương án cắt giảm 50% nhân sự và giảm lương 20 – 50% số lao động còn lại.
Khảo sát của VietnamWorks với 400 doanh nghiệp và 3.400 người tìm việc mới đây cho thấy, trong dịch bệnh và sau giãn cách xã hội, có khoảng 40% doanh nghiệp chịu tổn thương do Covid-19, trong đó 30% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự để duy trì qua cơn khủng hoảng, 10% các công ty chọn cắt giảm vừa nhân sự lẫn lương, phúc lợi.
Ngoài vấn đề thị trường, việc thiếu hụt nguyên vật liệu cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp dệt may thu hẹp sản xuất, giảm lao động.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh nghiệp FDI là đối tượng chủ yếu bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, với 39,6%. Nếu chỉ tính riêng doanh nghiệp nhập khẩu, tỷ lệ trên tăng lên mức 56,9%. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành may mặc và da giày bị tác động lớn nhất, khi thiếu hụt lần lượt 70,3% và 71% nguồn nguyên liệu đầu vào.
Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục những khó khăn trước mắt, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần kích cầu để tăng sức mua trong dân. Sức mua này phần nào giúp doanh nghiệp có thể tái tạo được nguồn thu, khi đó mới có thể tiếp tục sử dụng lao động và hạn chế sa thải.