Đọc loạt bài nông dân "sập bẫy" Công ty phân bón, đăng nhiều kỳ trên báo Dân Việt, tôi nghĩ ngay đến những người nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời còn phải chịu cảnh thất bát mùa màng vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Ờ quê tôi, anh Nguyễn Văn T. mướn 5 công ruộng sản xuất lúa, vụ lúa đang tươi tốt, nhưng vì "mê" quảng cáo phân giá rẻ nên mua dùng . Sau khi bón xong thì cây lúa thay vì nở bụi, làm đồng thì nó lại… cằn cỗi,teo tóp lại chực chờ tàn lụi.
Anh phải bỏ hết làm đất lại, gieo sạ thêm một lần nữa. Anh nói: "Anh chỉ có thể " nghi" là bón lầm phân giả thôi chứ với trình độ hiểu biết và trong tay không có một công cụ kiểm nghiệm, thì làm sao có bằng chứng nào cụ thể khẳng định là phân bón giả".
Như vậy, chỉ khi nào đem "tiền" quăng xuống ruộng xong, ngồi chở kết quả từ 2- 3 tháng sau, người nông dân mới phát hiện phân bón không có hiệu quả thì đã muộn màng. Tiền đã mất, tật đã mang!Tại các kỳ họp Quốc hội trước đây, khi thảo luận về dự thảo Luật Trồng trọt đã đề nghị quy định chặt chẽ để ngăn ngừa nạn phân bón giả, tránh gây tổn hại môi trường và quyền lợi của người nông dân.
Một ĐBQH khi tiếp xúc cử tri đã kể lại: "Tôi đi tới đâu người dân cũng kêu ca vấn đề phân bón giả". Một đại biểu khác chỉ rõ thực trạng đau lòng về làm giả phân bón: "Nhiều công ty chỉ có vài cái máy như máy trộn bê tông, trộn cát sỏi cho nặng cân rồi bán".
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam thì mấy năm gần đây tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang hoành hành tràn lan, nhất là ở vùng nông thôn.
Thống kê cho thấy một con số số không thể tin nổi: mỗi năm nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón với trên 1000 cơ sở sản xuất, trong đó có tử 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng.
Vì sao phân bón giả, kém chất lượng lại có cơ hội tồn tại trong nhiều năm qua?
Những người sản xuất phân bón giả như những tên thầy bói sành tâm lý người tiêu thụ; chúng đánh vào tâm lý hám lợi của các đại lý phân phối nhỏ và nông dân canh tác nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa, con số này không hề nhỏ.
Những mánh lới như bán giá rẻ, bán thiếu tới cuối vụ, khuyến mãi với nhiều hình thức, tặng quà, đi du lịch để bán hàng. Chúng còn cả gan "coi trời bằng vung" khi lợi dụng cả chủ trương "liên kết 4 nhà" mà sử dụng chiêu thức lôi cả chính quyền địa phương từ huyện tới xã, đoàn thể tổ chức hội thảo rầm rộ quảng bá "phân bón giả, phân bón kém chất lượng" cho nông dân một cách công khai, chính thống.
Nông dân sử dụng nhầm phân bón giả, kém chất lượng phải gánh chịu thiệt hại, có khi mất trắng cả một mùa vụ.
Hậu quả còn nghiêm trọng hơn là đất đai càng ngày càng bị hoang hóa, làm mất chất lượng, giá trị, sụt giảm năng suất và khó thể xuất khẩu sản phẩm gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia mà chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Trước hiện trạng này chính quyền cũng đã vào cuộc. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương, bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý trên 3000 vụ phân bón giả kém chất lượng.
Hàng năm Cục đã kiểm tra hàng ngàn hộ kinh doanh phần bón thì có hàng trăm hộ vi phạm (khoảng 42%). Kiểm nghiệm hàng ngàn mẫu phân bón thì có hàng trăm mẫu (khoảng 31%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Nhìn vào các con số thống kê biết nói của Hiệp hội phân bón Việt Nam và Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương, ghi nhận một con số đau lòng giữa cái thật và cái giả là gần 50%.
Với bao nhiêu phân đó đã hoang phí biết bao mồ hôi của người nông dân đổ xuống ruộng; bao nhiêu đó là biết bao gia đình phải nghèo thêm, biết bao diện tích đất đai phải cằn cỗi thêm….
Mấy năm trước, ngành Nông nghiệp, ngành công thương cả 2 cũng đều nêu lên khó khăn trong việc kiểm tra để giải thích cho sự tồn tại phân giả, kém chất lượng.
Chuyện phân bón giả, kém chất lượng đã xảy ra từ hơn 10 năm nay, chứ đâu phải mới xảy ra đầu hôm sớm mai.
Địa phương tôi cũng có nhiều cuộc hội thảo tập huấn cho nông dân nhận biết phân giả, kém chất lượng, nhưng thực chất công việc này chỉ là những hoạt động chiếu lệ, mang tính hành chính cơ quan, không mang lại hiệu quả thiết thực bởi với trình độ khoa học kỹ thuật chuyên môn hầu như không có, các trang thiết bị kiểm nghiệm cũng không.
Người nông dân làm công việc này như mò kim đáy biển, với tay bắt lấy sao trời.
Bên cạnh việc siết chặt việc sản xuất, xử phạt nặng các cơ sở sản suất phân bón giả, kém chất lượng để răn đe ngăn ngừa trong tương lai; hai ngành Công thương và Nông nghiệp cần tích cực phối hợp với nhau thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, thường xuyên thanh kiểm tra từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn nhỏ cho tới các đại lý nhỏ lẻ ở vùng sâu vùng xa mới có thể hạn chế thấp nhất hiện tượng phân giả, kém chất lượng.
Người nông dân đang chờ lắm thay!
Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt.
Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0857.835.666.
Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tối đa 3 tác phẩm có chất lượng của tháng. Mức thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải.
Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.