Dân Việt

Nông sản Việt và cuộc đua vào thị trường toàn cầu 15.000 tỷ USD

Khương Lực 22/06/2020 06:05 GMT+7
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, hàng năm tiêu dùng sản phẩm thực phẩm (cả chế biến) của thế giới vào khoảng 15.000 tỷ USD. Đây là dư địa rất lớn cho nông nghiệp Việt Nam có thể tận dụng và phát triển.

Theo ông Thành, nhắc tới nông nghiệp nhiều người hay nói đến tốc độ tăng trưởng thấp, chẳng hạn giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 2,71%/năm đã là tốt rồi. Nhưng với cái nhìn nông nghiệp đem lại sản phẩm không chỉ để tồn tại, để sống mà đó là giá trị dinh dưỡng, thậm chí là làm đẹp thì khả năng tăng giá trị, tăng tốc độ sản xuất, kinh doanh là rất lớn.

Dư địa lớn cho tăng trưởng giá trị

"Tại Việt Nam, lương thực, thực phẩm của hơn 100 triệu dân chiếm gần 40% trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và xuất khẩu trên 40 tỷ USD, nhưng cũng chưa là gì nếu so với con số 15.000 tỷ USD của thế giới. Với cách nhìn này, đây là lĩnh vực rất hấp dẫn trong tương lai" – TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Nông sản Việt và cuộc đua vào thị trường thế giới khoảng 15.000 tỷ USD - Ảnh 1.

Thúc đẩy chế biến, nông nghiệp Việt Nam có thể có giá trị gia tăng cao hơn. Ảnh Trần Khánh

"Bây giờ nông nghiệp như một chuỗi sản xuất, liên quan tới chế biến thực phẩm, gắn với phân phối, xây dựng thương hiệu. Với cách nhìn mới này, nông nghiệp vẫn có thể là một ngành, lĩnh vực đem lại tốc độ không chỉ nhiều giá trị gia tăng mà tốc độ cao hơn" – ông Thành phân tích.

Hiện đang có nhiều xu hướng mới trong cách nhìn về nông nghiệp, nông thôn như: sự bứt phá về giá trị gia tăng, về cách sống, lối sống chan hòa, thân thiện với môi trường, thiên nhiên…, nhưng để nông nghiệp, nông thôn chuyển đổi thành công theo những hướng mới này thì đòi hỏi cả một quá trình gian lao.

TS. Võ Trí Thành

Nói về chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, ông Stein Hansen, Giám đốc Vùng, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chia sẻ: "Các quốc gia có thu nhập cao đã tạo ra 200 USD giá trị gia tăng đối với 1 tấn hàng hóa nông sản đã qua chế biến, trong khi các quốc gia đang phát triển chỉ có thể tạo ra giá trị gia tăng 50 USD".

Chính vì thế, trong mục tiêu phát triển đến năm 2030, Việt Nam xác định sẽ đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới về công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. 

Trong 2 năm (2018-2019) có 30 dự án lớn về chế biến nông, lâm, thủy sản với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD đã khởi công xây dựng và một số cơ sở đã hoàn thành bước vào sản xuất.

Việc các nhà máy chế biến không chỉ để nông sản Việt Nam đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng và toàn thực phẩm mà còn góp phần hạn chế những rủi ro về thị trường, duy trì sự ổn định cho sản xuất nông nghiệp.

Vừa là lối sống, vừa là đầu tư

Một góc nhìn khác đối với nông nghiệp, theo TS. Võ Trí Thành, đó là cách sống, lối sống chan hòa, thân thiện với môi trường và thiên nhiên. Điều này dẫn tới thay đổi về cách thức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp gắn với cải tổ nông nghiệp, ứng dụng công nghệ… để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Lối sống nông thôn giờ nhìn không còn lạc hậu. Nông nghiệp ngoài giá trị dinh dưỡng, giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị còn gắn với các lĩnh vực khác như du lịch trải nghiệm, hấp dẫn. Đó là cái nhìn về đô thị hóa, cái nhìn về secondhouse, cái nhìn về những khu du lịch – nơi thu hút những người có điều kiện đến sống trải nghiệm và cả đầu tư"– TS. Võ Trí Thành phân tích.

Theo ông Thành, sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc hướng tới chuyên môn hóa, tích tụ đất đai để sản xuất tập trung, quy mô lớn thì còn là bệ đỡ tốt trong lúc khó khăn, trong thời khủng hoảng. 

"Nếu nhìn trong dịch Covid-19, người ta vẫn thấy xu thế về cách sống, lối sống và tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư, tạo giá trị gia tăng trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Thậm chí, trước tác động của Covid-19, lối sống, cách thức tiêu dùng xanh, sạch, an toàn hơn còn được tăng cường nhiều hơn".

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tỷ trọng GDP nông, lâm, thủy sản sẽ nhỏ, thậm chí xuống dưới 5%. Tuy vậy, nông nghiệp vẫn rất quan trọng khi giữ ổn định cho nền kinh tế.

"Qua đại dịch Covid-19, trong khi khó khăn quay về nền kinh tế thực thì nông nghiệp vẫn là ngành duy nhất xuất khẩu được, ngành duy nhất cầm cự được. Sắp tới, nếu kinh tế khôi phục thì ngành đầu tiên khôi phục được lại chính là nông nghiệp. Do vậy, sức mạnh thực sự của Việt Nam là nông nghiệp" – TS. Đặng Kim Sơn khẳng định.

Chính vì thế, ông Sơn cho rằng, nếu chúng ta đưa công nghiệp, dịch vụ vào ủng hộ nông nghiệp, đưa khoa học, công nghệ vào nông nghiệp… thì đóng góp của nông nghiệp thậm chí không giảm xuống mà có thể giữ ở mức độ rất cao và giá trị gia tăng rất cao.

"Việt Nam phải phát triển những ngành phục vụ cho nông nghiệp, ngành công nghiệp chế biến lâm sản và đồ gỗ, ngành công nghiệp chế biến thủy sản, chế tạo máy móc, rồi sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu để phục vụ cho nông nghiệp" - TS. Đặng Kim Sơn nói.