Nông dân đóng góp lớn cho xây dựng nông thôn mới
Hội Nông dân tỉnh Gia Lai vừa tổ chức sơ kết công tác hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các cấp Hội đã tổ chức cho gần 97.000 hộ nông dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi, tổ chức cho hơn 167.000 hộ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh nông sản.
Thông qua phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Cùng với việc thi đua sản xuất, các cấp hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân đóng góp hơn 14 tỷ đồng, 28.000 ngày công, hiến hơn 150.000m2 đất làm đường giao thông, làm mới hơn 3.000km đường giao thông nông thôn; vận động hơn 100.000 hộ hội viên nông dân đăng ký phấn đấu đạt gia đình văn hóa năm 2020...
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động hội viên, nông dân giúp nhau gần 3.000 ngày công, giúp nhau cây con giống với trị giá 443 triệu đồng, giúp đỡ gần 370 hộ thoát nghèo, xóa hàng trăm nhà tạm...
Về hỗ trợ vốn, trong 5 tháng đầu năm 2020 đã giải ngân cho vay hơn 8.000 tỷ đồng cho 423 hộ vay để thực hiện 37 dự án nhóm hộ. Để tổ chức đào tạo nghề cho nông dân, các cấp Hội còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức 90 lớp dạy nghề cho gần 3.000 người…
Trong 6 tháng cuối năm, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đề nghị các cấp Hội tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đẩy mạnh vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đồng thời Hội hướng mạnh về cơ sở, tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân nhằm giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh…
Điểm sáng từ mô hình Làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trên cơ sở khung tiêu chí chung của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình "Làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số" phù hợp với đặc thù địa phương. Qua đó, mô hình đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực cho diện mạo nông thôn vùng núi, cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Sau những thành công ban đầu của mô hình làng Pông, xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã quyết định thực hiện mô hình "Làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số" trên địa bàn toàn tỉnh, có sự triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Theo đó, ngày 13/2/2018, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở Chỉ thị này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai đã có Công văn số 945/SNNPTNT-VPNTM, ngày 31/5/2018, về việc hướng dẫn một số nội dung về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số".
Bộ tiêu chí xây dựng làng nông thôn mới bao gồm 5 nhóm tiêu chí là quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường; chính trị - quốc phòng - an ninh.
Cho đến nay, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành được bộ tiêu chí đánh giá mô hình ở địa phương trên cơ sở 5 nhóm tiêu chí, bộ tiêu chí cụ thể, có thể có từ 15 - 19 chỉ tiêu phù hợp với tình hình của địa bàn.
Được biết, ngay năm đầu triển khai (2018), tỉnh đã có 28 làng thuộc 26 xã của 17 huyện, thị xã, thành phố đăng ký xây dựng làng nông thôn mới. Các làng này đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn rà soát thực trạng, xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện.
Đến đầu năm 2019, có 14 làng thuộc 11 huyện, thị xã đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định, trong đó có huyện, thị xã đạt trên hai làng, vượt so với chỉ tiêu, có những làng với sự tích cực của địa phương mặc dù không đăng ký chỉ tiêu nhưng cũng đã hoàn thành việc xây dựng làng nông thôn mới.
Diện mạo của các làng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thay đổi tích cực. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư. Giao thông, thủy lợi được cải tạo, tu bổ, xây dựng, phục vụ đi lại, sản xuất cho người dân, bảo đảm sử dụng điện an toàn và mỹ quan nông thôn; hệ thống hàng rào, sân bê-tông, cột cờ, hội trường, nhà vệ sinh, nhà để xe, sân bóng đá, giếng nước... được tu sửa, chỉnh trang, nâng cấp phục vụ nhu cầu của người dân...
Nhiều gia đình trong làng đã được hỗ trợ xây dựng mới, xóa nhà tạm, chỉnh trang, sửa chữa. Kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung vào tập huấn cho lao động, hỗ trợ xây dựng công trình sản xuất nông nghiệp, thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm, hỗ trợ cây trồng, con giống cho người dân... Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của phần lớn người dân trong làng được nâng lên rõ rệt, sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến tích cực, góp phần làm tăng thu nhập của người dân.
Thực tế cho thấy mô hình "Làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số" là mô hình đặc trưng riêng, phù hợp với đặc thù của Gia Lai. Do đó ngày 17/4/2019, UBND tỉnh này đã ban hành Quyết định 183/QĐ-UBND, quy định Bộ tiêu chí thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới; Quy trình xét công nhận, công bố thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2020.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.