Từ khi vào vụ thu hoạch rộ đến nay, gia đình anh Hoàng Ngọc Thanh ở thôn Lâm, xã Nam Dương (huyện Lục Ngạn) lúc nào cũng tất bật thu hái vải từ đêm đến sáng sớm, bận tiếp những cuộc điện thoại từ khắp nơi gọi đến đặt hàng.
"Sản lượng vài thiều nhà tôi năm nay cầm chắc 7 - 8 tấn, hiện đã thu được một nửa, giá vải bình quân ký hợp đồng với doanh nghiệp là 30.000 đồng/kg" - anh Thanh cho biết.
Vườn vải nhà anh Thanh cũng nằm trong vùng được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đi Nhật Bản với 12 hộ tham gia, đích thân anh Thanh là trưởng nhóm quản lý.
Ngay sau khi chuyên gia Nhật Bản kiểm tra hệ thống xử lý khử trùng và công nhận dây chuyền đạt chuẩn, doanh nghiệp bắt tay vào thu mua để xuất khẩu sang Nhật Bản, những nông dân trồng vải như anh Thanh vô cùng vui mừng.
"Quả vải thiều được xuất khẩu sang Nhật Bản, lại được thị trường đón nhận, những nông dân như chúng tôi vui mừng lắm, thấy thành quả, nỗ lực của mình đã được đền đáp" - anh Thanh chia sẻ.
Nhưng điều anh Thanh vui hơn là, việc vải thiều được xuất khẩu sang Nhật Bản đã giúp thị trường tiêu thụ vải thiều nóng hơn.
"Chỉ trong 3 ngày trở lại đây, giá vải thiều cứ tăng theo ngày, những vườn vải đẹp, giá bán lên tới 38.000 - 42.000 đồng/kg, còn trung bình đạt 32.000 - 35.000 đồng/kg. Dự đoán, chỉ chục ngày nữa, giá vải thiều có thể cán mốc mới, 55.000 - 60.000 đồng/kg" - anh Thanh cho biết.
Quan trọng hơn là, anh và nhiều nông dân trong mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu Nhật Bản không phải chịu cảnh mang vải thiều xuống chợ bán như mọi năm mà các doanh nghiệp đến tận vườn thu mua.
"Vườn vải nhà tôi đã có 5 tạ được thu mua phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản và vào các chuỗi siêu thị lớn" - anh Thanh nói.
Được biết, vườn vải phục vụ xuất khẩu Nhật Bản của anh Thanh và những hộ dân trong mã số vùng trồng được ngành chức năng cấp và quản lý canh tác theo quy trình GlobalGAP.
"So với canh tác theo phương pháp cũ, trồng vải theo quy trình GlobalGAP nhọc công hơn nhiều, việc sản xuất phải được ghi chép nhật ký đầy đủ, vườn luôn được dọn rác, cành lá cẩn thận, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định, chỉ được phép sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật do phía Nhật Bản khuyến cáo sử dụng" - anh Thanh chia sẻ.
Trong quá trình chăm sóc vải, nhiều nông dân sốt ruột khi bọ xít xuất hiện ở vườn vải, trong khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục phía Nhật Bản cung cấp thì bọ xít không chết.
Nhiều nông dân định mua loại thuốc bảo vệ thực vật vẫn dùng như mọi năm để phun trừ nhưng đã cam kết với chính quyền xã, với Cục Bảo vệ thực vật là tuân thủ nghiêm túc quy trình nên lại kiên nhẫn đợi.
"Mã số vùng trồng của thôn Lâm có 12 hộ tham gia với diện tích trồng vải 15ha. Trồng vải theo quy trình GlobalGAP chúng tôi phải tuân thủ theo đúng quy trình Phòng NNPTNT huyện khuyến cáo, vườn phải được dọn sạch đẹp, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng loại đã được khuyến cáo.
Cũng theo anh Thanh, không có chuyện bà con nông dân tự ý sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục vì trước khi thu hoạch trái vải đều được kiểm tra kỹ, nếu phát hiện còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị loại ngay lập tức nên ai cũng làm rất cẩn thận, đúng quy trình.
Nhờ được chăm sóc theo quy trình xuất khẩu Nhật Bản nên vườn vải của anh Thanh cũng được nhiều người "chấm" để đặt mua làm quà biếu.
"Vừa có một doanh nghiệp trực tiếp gọi điện cho tôi đặt mua vài tạ để cung ứng cho siêu thị với giá rất cao. Nói chung vụ vải này lúc đầu tưởng khó khăn mà giờ thuận lợi không tưởng" - anh Thanh hồ hởi.
Được biết, vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được thị trường đón nhận. Đại diện AEON Nhật Bản đánh giá, vải thiều tươi Việt Nam thơm, ngon, hạt nhỏ, giá rất cạnh tranh.
Ngay sau khi lô vài thiều đầu tiên sang Nhật, các doanh nghiệp, siêu thị phân phối đã thu mua hết, phản hồi của khách hàng tốt, giá vải thiều tươi Việt Nam tại Nhật Bản lên đến 530.000 - 550.000 đồng/kg.