Dân cùng cực vì nước bẩn
Chuyện tưởng như đùa, khi đến xã Liên Vị (TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) bây giờ, người giàu không phải là có nhà to, mà phải là có chiếc bể to để chứa nước ngọt dự trữ.
10h sáng, nắng như đổ lửa, bà Nguyễn Thị Hoàn (xóm Ngoài, thôn Vị Khê, xã Liên Vị) bê chậu quần áo to tướng ra bờ ao ngồi giặt. Nhìn xuống bể nước mưa đã đầy lưng, hỏi bà Hoàn sao không lấy nước bể giặt cho sạch, bà nói: "Ở đây đến nhà giàu cũng không dám dùng nước mưa để giặt. Tôi giặt ao mấy nước, rồi đến nước cuối mới dám dùng nước bể".
Ngoài việc giặt giũ, thì nước tại ao nhà cũng được bà Hoàn dùng cho rửa rau, làm cá, rửa ráy chân tay... để tiết kiệm nước ngọt.
Từ nhiều năm nay, thực trạng thiếu nước sạch của 411 hộ dân thôn Hàn, thôn Vị Khê (xã Liên Vị) đã đến mức cùng cực. Do không có nguồn nước nào khác, mọi việc từ giặt quần áo, thậm chí là rửa rau, rửa bát, vo gạo... các gia đình đều phải dùng nước ở dòng kênh.
Dòng nước kênh mương nội đồng chảy qua thôn Vị Khê, nhiều năm qua đã chuyển màu đen và bốc mùi hôi thối... Nước thải sinh hoạt, nước thải từ các hố ga của nhiều gia đình chưa qua xử lý đều chảy trực tiếp xuống kênh.
Anh Phạm Hữu Bảnh (thôn Vị Khê) cho hay: "Gia đình tôi đã đầu tư xây 3 bể với dung tích 40m3, nhưng mỗi lần mưa chỉ chứa được non chục khối nước ngọt, dùng vài ngày là hết. Nhiều năm nay, chúng tôi phải mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m3. Từ đầu năm đến nay, riêng tiền mua nước ngọt nhà tôi đã chi hết hơn 10 triệu đồng. Cuộc sống dân đảo đã khó khăn lại càng thêm khốn đốn".
Tại nhà của Trưởng thôn Vị Khê, ông Đỗ Trung Kiên, 3 bể to và 2 bể nhỏ đựng nước mưa của gia đình ông cũng đã gần cạn kiệt. Nước ngọt mà gia đình ông cùng hàng trăm hộ khác mua với giá "cắt cổ" bấy lâu nay, theo ông cũng chỉ là nước máng từ hồ Yên Lập phục vụ tưới tiêu, chưa qua xử lý.
"Thế mà 80% dân thôn Vị Khê và thôn Hàn vẫn phải ngậm ngùi mua dùng" – ông Kiên nói.
Theo thống kê của Trạm Y tế xã Liên Vị, chỉ riêng năm 2019 đã có gần 1.000 trường hợp mắc các bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm như: Đau mắt, viêm da, dị ứng, bệnh đường tiêu hóa... Theo y sĩ Đỗ Thị Mai (Trạm Y tế xã Liên Vị), điều lo ngại nhất khi người dân phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm chính là nguy cơ mắc các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Chính quyền, công ty nước liên tục lỗi hẹn với dân
Tìm hiểu được biết, từ tháng 1/2018, UBND TX.Quảng Yên đã có buổi làm việc với Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh. Chủ trì cuộc làm việc này, ông Vũ Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND TX.Quảng Yên kết luận: "Đề nghị Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh lập phương án, thi công, lắp đặt và đấu nối cho các hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch tại khu vực Vị Khê, Vị Dương của xã Liên Vị trước Tết Nguyên đán (2019)".
Hết Tết 2019, hơn 400 hộ dân xã Liên Vị vẫn chưa có nước sạch. Mong ước hàng chục năm của người dân về một điều tối giản trong cuộc sống vẫn quá xa vời.
Lại thêm nhiều lời than vãn, kiến nghị của dân, đến ngày 30/7/2019, ông Trần Đức Thắng (Chủ tịch UBND TX.Quảng Yên) đã có buổi làm việc với Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh.
Tại buổi làm việc này, Chủ tịch UBND TX.Quảng Yên thêm một lần dõng dạc: "Chủ động phối hợp với xã Liên Vị và các cơ quan liên quan triển khai lắp đặt đường ống để cung cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân xã Liên Vị và các khu vực phụ cận. Riêng đối với xã Liên Vị phấn đấu hoàn thành trước dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2) và Trước Tết Nguyên đán Canh tý 2020".
Thực hiện chỉ đạo này, cuối năm 2019, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã lắp đặt đường ống trục chính đến đầu thôn Vị Khê, nhưng chỉ đấu nối, cung cấp nước được cho 2 hộ dân(?)
"Họ dừng thi công từ 28 Tết đến nay, sau đó bỏ đi lặng lẽ, để lại những đường ống trơ trọi nắng mưa, mặc cho dân bất bình" – Trưởng thôn Vị Khê nói.
Để tìm hiểu rõ sự việc, PV Dân Việt đã liên hệ Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc.