Hoang phí những trạm bơm tiêu trăm tỷ đặt "nhầm chỗ" ở Phú Thọ

Ngô Hùng Thứ năm, ngày 05/03/2020 06:29 AM (GMT+7)
LTS: Là tỉnh miền núi trung du, nhưng Phú Thọ hiện tại có đến 13 trạm bơm tiêu, 5 trạm bơm tưới tiêu đã và đang triển khai xây dựng với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Khảo sát thực tế, chỉ một số trạm là có hiệu quả, còn đa phần là lãng phí khi đặt “nhầm chỗ” vì quanh vùng luôn thiếu nước hoặc vài chục năm nay không có tình trạng ngập úng.
Bình luận 0

Đặc biệt, theo tìm hiểu, vài năm gần đây, những trạm bơm tiêu trăm tỷ được xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, đa phần đều rơi vào tay Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập với hệ số tiết kiệm vô cùng khiêm tốn.

Bài 1: Hoang phí những trạm bơm tiêu trăm tỷ?

Theo báo cáo về tính khả thi và bức thiết khi xây dựng, những trạm bơm tiêu cả trăm tỷ đồng sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp phòng tránh ngập úng trên một diện tích rộng lớn. Vậy, liệu rằng những trạm bơm tiêu này có thực sự cần thiết và đem lại những hiệu quả to lớn như vậy không?

img

Liệu những trạm bơm tiêu này có thực sự cần thiết và đem lại những hiệu quả to lớn?

Đứng trên đường, hướng ánh mắt nhìn ra trạm bơm tiêu Dậu Dương, bà Phan Thị Dần (70 tuổi, trú tại khu 4, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) không khỏi ngao ngán, tiếc nuối khi hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách của nhà nước có thể bị lãng phí.

Trong ký ức của bà Dần, bao nhiêu năm bà sống ở đây, chỉ có năm 1971, khi sự cố vỡ đê xảy ra, ở nơi đây mới bị ngập. Còn từ đó đến nay, nơi này chưa một lần có hiện tượng ngập úng. Vậy mà, mấy năm gần đây, một trạm bơm tiêu có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng bỗng được xây dựng khiến người dân không khỏi bất ngờ.

“Bao nhiêu năm rồi khu vực này không có nước, nếu có mưa to, chỉ cần mở cống tiêu là hết. Cả những khu vực bên trong cũng thế. Việc xây dựng trạm bơm tiêu ở đây là quá lãng phí, chắc là phục vụ lợi ích kinh tế cho một nhóm người thôi”, bà Dần cho biết.

img

Theo người dân quanh khu vực trạm bơm tiêu Dậu Dương, nhiều năm nay khu vực này không bị ngập úng, việc xây trạm ở đây là lãng phí và có... "lợi ích nhóm"?

“Tôi năm nay gần 60 tuổi, làm nghề đánh cá. Cách đây vài chục năm còn có nước và nhiều cá, nhưng giờ không có nước nên tôi phải chuyển thuyền ra hẳn bờ sông để đánh bắt. Nước đâu ra mà làm trạm bơm tiêu ở đây chứ?”, ông Ngô Mạnh Lâm (khu 4, xã Dân Quyền) bày tỏ.

Đánh giá về tính khả thi của trạm bơm tiêu Dậu Dương, ông Đoàn Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Quyền, nghi ngại: "Việc đặt trạm bơm tiêu tại đây, trước mắt là không khả thi vì nơi này ít nước. Không biết về lâu dài hay khi có sự cố bất ngờ thì như thế nào".

Đối với trạm bơm tiêu Đoan Hạ hiện đang được triển khai xây dựng, theo người dân quanh vùng, đây cũng là dự án không khả thi và gây lãng phí.

Bà Phạm Thị Lân (70 tuổi) là người sống ở khu 4, xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy (nơi đặt trạm bơm tiêu Đoan Hạ) quá nửa đời người. Bà Lân nhớ rằng, khoảng gần 40 năm trước, ở nơi đây có một trận lũ. Nhưng từ khi có thủy điện Hòa Bình đến giờ thì tình trạng ngập úng không xảy ra nữa.

“Người dân ở đây bao năm nay đều trồng 1 vụ lúa, còn 1 vụ nuôi cá. Đến mùa mưa cần nước chứ không cần tiêu úng, vậy mà đi xây trạm bơm tiêu ở đây”, bà Lân chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Kim Lân - người làm Bí thư Chi bộ khu 7, xã Bảo Yên đã 35 năm, nhận định, việc xây trạm bơm tiêu Đoan Hạ sẽ không khả thi và không đem lại hiệu quả.

img

img

Theo ông Lương Trung Tuyền, Giám đốc HTX nông nghiệp xã Bảo Yên, việc xây trạm bơm tiêu Đoan Hạ là chưa có nhu cầu và không thiết thực.

“Theo quan điểm của tôi, tương lai có thể trạm bơm tiêu Đoan Hạ sẽ có hiệu quả khi không may xảy ra những sự cố bất ngờ. Còn trước đây và hiện tại thì không, về thiết thực chưa có nhu cầu để hoạt động. Từ khi có đập thủy điện đến giờ, không có hiện tượng lũ lụt vì nước ngoài sông còn cạn”, ông Lương Trung Tuyền, Giám đốc HTX nông nghiệp xã Bảo Yên cho biết.

Tại trạm bơm tiêu Sơn Tình ở xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê cũng bị người dân phản ánh về việc đặt “nhầm chỗ” và có thể sẽ gây lãng phí vì quanh vùng nhiều năm nay không có hiện tượng ngập úng xảy ra.

“Trước mưa to thì ngập, nhưng giờ sông có nước đâu mà ngập, hơn chục năm nay không có hiện tượng ngập úng đồng ruộng. Với trạm bơm Sơn Tình vài trăm tỷ đồng, tôi đánh giá là không hiệu quả và chỉ đem lại lợi ích nhóm. Khi nạo vét để làm hồ chứa và mương dẫn, đơn vị thi công đã bán rất nhiều đất cho các lò gạch quanh vùng”, ông Nguyễn Phú Bình (64 tuổi, trú tại khu 1, xã YênTập, huyện Cẩm Khê) chia sẻ.

img

Theo ông Trần Danh Ca, từ trước đến nay hệ thống thoát nước ở quanh vùng hoạt động rất tốt, không biết sau này trạm bơm này hoạt động như thế nào? 

Liên quan đến trạm bơm tiêu cho các xã Sai Nga, Thanh Nga, Sơn Nga, Xương Thịnh và thị trấn Sông Thao, ông Trần Danh Ca, Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Khê (sáp nhập thị trấn Sông Thao, xã Thanh Nga, Sơn Nga, Sai Nga - PV) cho biết, qua theo dõi, tình trạng ngập úng không xảy ra ở đây, bởi lẽ hệ thống cống tiêu hoạt động rất hiệu quả. Việc có người nói rằng khu vực này có tình trạng ngập úng là hoàn toàn không đúng.

“Trước mắt, trạm bơm tiêu trên địa bàn là chưa cần thiết. Tuy nhiên, có thể dự án này được triển khai xây dựng là để phòng trừ những tình huống bất ngờ, cũng như phục vụ cho khu công nghiệp và cụm công nghiệp Cẩm Khê”, ông Ca nhận định.

Đứng trước trạm bơm Bình Bộ, bà Nguyễn Thị Phương (khu 5, xã Bình Phú, huyện Phù Ninh) bày tỏ quan điểm: “Nhiều nơi ở đây chỉ cấy được 1 vụ vì thiếu nước, nay làm trạm bơm tiêu thì lấy đâu ra nước mà tiêu? Chúng tôi cần nước để tưới chứ không phải cần cái trạm bơm tiêu kia”.

img

Trạm bơm tiêu Bình Bộ với tổng mức đầu tư hơn 258 tỷ đồng cũng bị người dân cho rằng đã "đặt nhầm" ở nơi luôn thiếu nước.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ, cho biết trạm bơm tiêu Dậu Dương, Đoan Hạ, Sơn Tình, Ngòi Hiêng, Ngòi Trang… hiện vẫn trong quá trình xây dựng nên không biết hiệu quả khi đưa vào vận hành như thế nào. Còn đối với trạm bơm tiêu Bình Bộ thì công ty đang được giao vận hành.

"Kể từ lúc hoàn thành đến giờ, trạm bơm tiêu Bình Bộ mới chỉ vận hành 1 tổ máy được 72 giờ (trạm bơm có 6 tổ máy) và vận hành theo quy trình thôi chứ chưa bơm tiêu. Sau khi nhận bàn giao, dự án vẫn đang trong quá trình chạy thử thiết bị, để xem có lỗi nào cần khắc phục hay không. Còn về chức năng của trạm bơm này chỉ tiêu úng thôi chứ không tưới", ông Sơn cho biết. 

Bài 2: Loạn bơm tiêu ở Phú Thọ: Sống khổ cạnh dự án

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem