Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NNPTNT) phối hợp với UBND huyện Phúc Thọ tổ chức diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" với sự tham gia của trên 200 đại biểu là chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã, nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Giúp nhà nông nâng cao trình độ
Nội dung của "Nhịp cầu nhà nông" lần này là hướng dẫn người nông dân cách nhận biết và phòng chống một số bệnh thường gặp trên cây rau, cây hoa và cây ăn quả như: Bệnh nhện đỏ, ruồi vàng, xoăn lá; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các loại phân bón an toàn, hiệu quả trên cây trồng; địa chỉ mua cây, con giống, uy tín, chất lượng. Bên cạnh đó, nông dân nắm bắt được định hướng và chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố và huyện liên quan đến phát triển nông nghiệp.
Tại diễn đàn, bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, tính từ năm 2014 đến nay, Trung tâm đã tổ chức gần 100 diễn đàn nhịp cầu nhà nông tại tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
"Diễn đàn đã nhận được sự đánh giá cao của cán bộ, nông dân tại các địa phương. Qua đó, trình độ khoa học kỹ thuật của bà con được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng như thu nhập của nông dân" - bà Hương nói.
Theo đó, năm 2020 thể theo nguyện vọng, nhu cầu của bà con nông dân, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục đề xuất với Sở NNPTNT Hà Nội cho phép tiếp tục tổ chức diễn đàn luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố với 10 diễn đàn.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho hay, huyện luôn xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp là khâu đột phá và giải pháp làm giàu của bà con.
Việc chuyển đổi theo quy hoạch phải luôn gắn với áp dụng khoa học công nghệ. Do đó, diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" là cơ hội quý báu để bà con nông dân trong huyện được trực tiếp trao đổi những vấn đề băn khoăn, những khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp với các chuyên gia, nhà quản lý.
"Diễn đàn không những giúp nông dân nắm bắt tiến bộ kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác mà còn là dịp để các hộ sản xuất, chủ trang trại học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giúp nhau làm giàu" - ông Doãn Trung Tuấn chia sẻ.
Giải đáp nhiều thắc mắc
Ông Lê Đình Ninh (xã Võng Xuyên) có hỏi: hiện nay ao nhà tôi nuôi cá công nghiệp, môi trường nước rất ô nhiễm, xin chuyên gia chỉ cho cách xử lý.
Trả lời câu hỏi của ông Ninh, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, khi cho cá ăn cần phải ra xem thời tiết, thực hiện đúng 3 xem (xem thời tiết, biến động các yếu tố môi trường và tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi), 4 định (định chất lượng, số lượng và thời gian). Ông Tiêu cũng khuyến cáo, bà con nên cho cá ăn đúng lượng, đúng liều thì cá sẽ sinh trưởng và phát triển tốt.
Tham dự diễn đàn, ông Hoàng Tiến Văn (xã Tam Thuấn) chia sẻ, trong thời điểm nắng nóng hiện nay, nhiều sinh vật gây hại đáng lo ngại trên nhiều cây ăn quả, làm giảm năng suất, chất lượng quả. Vì vậy, qua diễn đàn, nông dân đã biết áp dụng các biện pháp ngăn ngừa từ sớm cũng như dùng các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ thảo mộc như gừng, tỏi, ớt… để xử lý.
Theo TS Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, trong sản xuất nông nghiệp, phòng bệnh là quan trọng nhất, trong khi đa số nông dân không coi trọng yếu tố này, chỉ khi thấy cây trồng, vật nuôi bị nhiễm bệnh mới chữa trị. Cách làm này vừa không hiệu quả lại tốn kém chi phí, đó là chưa kể việc lạm dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây tồn đọng dư lượng hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp.
"Khi nông dân làm chủ được khoa học kỹ thuật thì tổ chức sản xuất sẽ đạt hiệu quả, tạo ra những nông sản chất lượng, an toàn, có giá trị kinh tế cao".
Bà Vũ Thị Hương
Gửi đến diễn đàn câu hỏi về chính sách nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Tuấn, có hỏi, hiện nay tôi có 2 sào ruộng trồng lúa, nay tôi muốn chuyển đổi để làm nhà màng, nhà lưới để trồng hoa. Nay tôi phải làm thủ tục gì không?
Giải đáp câu hỏi này, bà Hoàng Thị Tuyết - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc cho biết, để chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn quả trước hết diện tích chuyển đổi quy hoạch phải nằm trong vùng quy hoạch của xã. Thứ hai, là những hộ có mục đích muốn chuyển đổi phải lên UBND xã làm bản đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
Ông Phùng Văn Khương (xã Phụng Thượng) có hỏi cá trắm bị đen đầu, tróc vảy dùng thuốc hay là phải xử lý như thế nào?
Giải đáp câu hỏi này, ông Kim Văn Tiêu cho hay, cá trắm cỏ rất hay bị mắc bệnh, mẫn cảm với thời tiết. Nếu cá dưới 7 lạng cho tăng sức đề kháng, để xác định bệnh cần mổ cá ra để lấy nội tạng kiểm tra xem cá bị bệnh gì. Nếu ruột, gan xuất huyết nhưng gan không bị hoại tử thì đó là do virus gây nên. Còn nếu ruột không xuất huyết, gan bị hoại tử thì đó là do vi khuẩn.
Để xử lý, đối với virus tiến hành khử trùng nước để diệt các vi khuẩn, các mầm bệnh, hạn chế virus không xâm nhập, phát triển. Đối với vi khuẩn có thể mua thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn và cho cá ăn 5 - 7 ngày.
Tại diễn đàn có rất nhiều câu hỏi được đưa ra liên quan đến việc nuôi con gì, trồng cây gì để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế nào và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... Mặc dù diễn đàn chỉ diễn ra trong một buổi sáng, song hầu hết các câu hỏi bà con thắc mắc, băn khoăn đều được các chuyên gia giải đáp đầy đủ, cặn kẽ, dễ hiểu. Nhiều nông dân cho biết họ rất hài lòng vì đã được gỡ rối những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.