Dân Việt

Cà Mau: Nghề muối ba khía được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Chúc Ly 23/06/2020 21:01 GMT+7
Tối 23/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau vừa tổ chức lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với nghề muối ba khía của huyện Ngọc Hiển.

Nghề muối ba khía là một trong những nghề truyền thống của địa phương và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở Cà Mau, ba khía sinh sống rải rác ở nhiều địa phương, tuy nhiên, ba khía Rạch Gốc được xem là ngon nhất.

Ba khía thuộc họ nhà cua, nhưng sống chủ yếu ở hai bên bờ rạch hoặc trên những vạt rừng đước, mắm,.. Ba khía thường đào hang ở những vạt rừng khô, những bờ vuông của người dân. Để bắt được ba khía, ta cần trang bị bao tay, thùng đựng và đèn, vì người dân chủ yếu bắt ba khía là vào ban đêm. 

Ba khía muối lại là một đặc sản nổi tiếng của người Cà Mau ở vùng nước mặn. Khi đặc sản này được nhiều người biết tới, nghề muối ba khía đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân.

Nghề muối ba khía được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Nghề muối ba khía mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân. Ảnh: MH.

Mỗi người sẽ có bí quyết khác nhau nhưng cơ bản có 2 cách muối ba khía. Cách thứ nhất là rửa sạch ba khía, đem phơi khô, pha nước với muối và nước mắm đủ độ rồi đưa trực tiếp đưa ba khía vào muối luôn. Cách thứ 2, dùng hỗn hợp nước muối và nước mắm giết ba khía chết, sau 5 đến 7 giờ, nấu nước muối đó lại cho sôi đúng độ, để nguội, rồi pha chế với đường chảy, bột ngọt, tỏi để muối ba khía.

Theo những người dày dặn kinh nghiệm trong việc muối ba khia cho hay, muốn chế biến cho con ba khía muối ngon thì sau khi rửa sạch và tách ba khía, chúng ta phải cho nước chanh vào trước, trộn đều và để khoảng 15 phút, sau đó lần lượt đưa các gia vị: tỏi, ớt, đường, bột ngọt, rau răm rồi trộn đều.

Mới đây, nghề gác kèo ong tại 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời (Cà Mau) cũng được công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trước đó, ngành chức năng Cà Mau đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 2 nghề truyền thống của địa phương là muối ba khía và gác kèo. Theo lộ trình, Cà Mau sẽ tiếp tục lập hồ sơ trình duyệt đối với các di sản là lễ hội như: Lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc (năm 2020); Lễ hội đền thờ Vua Hùng (năm 2021); Nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022); Lễ vía Bà Thủy Long (2024)… 

Để phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ngoài việc lên kế hoạch bảo vệ thì tỉnh còn tổ chức giới thiệu, chỉnh lý phòng trưng bày, giới thiệu… các di sản đã được công nhận.