Dựng hàng rào đón lợn nhập lậu
Sê Pôn là sông biên giới, rộng chỉ tầm 50 - 70m, nửa bên này là Việt Nam, còn nửa bên kia là của nước bạn Lào. 3 tháng trở lại, khoảng 8km đường sông kéo dài từ khóm Tân Kim (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đến thôn Bích La Trung (xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa) luôn nóng sốt vì tình trạng lợn nhập lậu.
Bây giờ, đi dọc đoạn đường sông trên, sẽ bắt gặp nhiều "hàng rào" mới được dựng lên bằng tôn, lưới thép B40 hoặc thép gai kéo dài từ nhà của người dân đến sát bờ sông. Những "hàng rào" này phục vụ cho việc đón lợn nhập lậu từ bên kia sông Sê Pôn qua và gây khó cho lực lượng chức năng.
Suốt ngày, đặc biệt là vào ban đêm, lợn được các đối tượng người Lào vận chuyển đến ở bên kia sông Sê Pôn. Ở bên này sông, người dân túc trực sẵn trong vườn nhà ở ngay mép sông. Chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng, từng con lợn sẽ được dắt qua sông, rồi dắt qua "hàng rào" mở cửa sẵn. Tiếp đó, lợn được người dân đưa vào vườn nhà, cho vào chuồng hoặc trang trại để hợp thức hóa là lợn nuôi.
Do sông Sê Pôn mùa này cạn nước, nhà nhà ở dọc đoạn sông dài gần cả chục cây số đều có "hàng rào", nên lợn nhập lậu khá thuận lợi. Có đêm, khi theo dõi thấy lực lượng chức năng đang ở khu vực khác, cả đàn lợn chục con được cho mặc áo phao, cột dây bơi qua sông. Chỉ cần qua khỏi đoạn sông, một lúc là cả đàn lợn đã mất hút, không còn tung tích.
Đau đầu vì lợn nhập lậu
16h chiều, chiếc thuyền máy chở các cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Biên phòng Quảng Trị) xuất phát từ khóm Tân Kim tuần tra dọc sông Sê Pôn. Ngoài việc tuần tra dọc sông vào những thời điểm nhạy cảm, lực lượng biên phòng còn tổ chức 25 chốt với 75 thành viên dọc đoạn sông biên giới để làm nhiệm vụ phòng dịch Covid-19 và chống buôn lậu. Lực lượng dày đặc như vậy, nhưng quá trình di chuyển dọc sông Sê Pôn, ở bên kia sông từng tốp người bản địa và thuyền xuất hiện nhan nhản, cạnh đó là hàng chục con lợn đợi thẩm lậu.
Nắng chiều vừa tắt, nhóm người ở bên kia biên giới bắt đầu chia nhỏ ra. Mỗi người dắt 1 con lợn từ trên thuyền xuống, cho mặc áo phao và cột dây quanh mình rồi cứ di chuyển dọc sông. Dù phát hiện người dắt lợn nghi vấn, nhưng nếu chưa qua giữa sông thuộc quản lý của Việt Nam, thì lực lượng biên phòng không can thiệp kiểm tra được. Chỉ mất tầm 5 phút, 1 con lợn được 1 thanh niên kéo bơi qua sông và giao cho 1 người phụ nữ ở khóm Tân Kim. Lực lượng biên phòng nằm mật phục ở đoạn đường mòn lập tức có mặt, thì người phụ nữ liền dùng gậy đánh liên hồi cho lợn bỏ chạy rồi lên tiếng chửi bới, la làng như kiểu bị ức hiếp. Mỗi con lợn cân nặng từ 70-100kg, nên để đuổi bắt được lợn, các cán bộ chiến sĩ mất cả nửa giờ.
Thượng tá Hoàng Hữu Thiện - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo nói rằng, lợi dụng lúc các cán bộ chiến sĩ ở các chốt đổi ca, ăn tối hoặc đi tuần, các đối tượng vận chuyển lợn sẽ hoạt động. "Những đối tượng buôn lậu cử nhiều người theo dõi lực lượng làm nhiệm vụ và chia nhỏ lợn ra mỗi lúc vượt biên nên rất vất vả cho chúng tôi" - thượng tá Thiện, nói. Cũng theo ông Thiện, có ngày, đơn vị này bắt được nhiều nhất là 33 con lợn nhập lậu. Hiện giá thịt lợn trong nước có giảm, giá thịt lợn ở nước ngoài có tăng nên tình trạng nhập lậu có giảm, "nhưng vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ".