Dân Việt

Ca sĩ Hồ Phàm bị bắn trọng thương ở Hà Nội là người thế nào?

Quỳnh Nguyễn 24/06/2020 16:48 GMT+7
Giọng ca người Pako Hồ Phàm - người mới bị đối tượng Tạ Văn Hải bắn trọng thương ở Hà Nội có cuộc đời khá trắc trở, gia cảnh éo le.

Ngày 23/6, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi sử dụng súng quân dụng bắn trọng thương ca sĩ Hồ Văn Phàm của đối tượng Tạ Văn Hải (SN 1979, trú tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội).  

Thông tin ban đầu cho thấy, đêm 19/6, anh Đặng Quang Sơn (SN 1981, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đi xe máy chở ca sĩ Hồ Phạm về nhà. Khi đi đến khu vực hẻm 12, ngách 55, ngõ 381 – Nguyễn Khang (Cầu Giấy) thì bị một đối tượng sử dụng súng bắn vào lưng gây trọng thương.

Vụ việc không chỉ khiến dư luận xôn xao mà chính những đồng nghiệp của Hồ Phàm cũng hết sức bất ngờ bởi theo nhận xét của nhiều người, Hồ Phàm rất hiền lành và trước nay không gây hấn với ai.

Cuộc đời gian truân của ca sĩ Hồ Phàm bị bắn trọng thương - Ảnh 2.

Nam ca sĩ hồ Phàm trên sân khấu ca nhạc.

Hồ Phàm sinh năm 1979, từng tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và là cậu học trò được cố nhạc sĩ An Thuyên đặt nhiều kỳ vọng. 

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, ca sĩ Hồ Phàm có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Anh là người dân tộc Pako, ở vùng sâu vùng xa tỉnh Quảng Trị. Bố mẹ mất sớm, cuộc sống của anh chị em trong gia đình đều khó khăn. 

Sau khi ra trường, anh từng có thời gian về công tác tại một đoàn nghệ thuật ở Quảng Trị, sau đó trở ra Hà Nội để tiếp tục bám nghề. Xuất thân từ núi rừng, là một trong những người dân tộc thiểu số hiếm hoi theo nghiệp âm nhạc, giọng hát của Hồ Phàm được đồng nghiệp đánh giá là rất có chất lửa và đặc trưng xứ sở. Hồ Phạm hoạt động như một nghệ sĩ du ca, âm thầm và đi khắp mọi nơi biểu diễn.

Cuộc đời gian truân của ca sĩ Hồ Phàm bị bắn trọng thương - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đến thăm ca sĩ Hồ Phạm tại bệnh viện.

Ca sĩ Ploong Thiết - một người bạn của Hồ Phàm cho biết, anh học âm nhạc cùng Hồ Phàm từ 2002 - 2008, đến năm 2013 do điều kiện khó khăn nên Hồ Phàm không thi lên đại học như Ploong Thiết. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nam ca sĩ người Pako không có việc làm và không có thu nhập. Vì không có tiền đóng tiền thuê nhà trọ, anh đành phải xin ở nhờ nhà vợ chồng gia đình một người quen biết ở Hà Nội.

Theo ca sĩ Ploong Thiết, nam ca sĩ này không nhà cửa, không có công việc ổn định, không còn bố mẹ. Cách đây 3 năm, vợ nam ca sĩ đã qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo. Hiện, cậu con trai 4 tuổi của vợ chồng anh đang sống cùng ông bà ngoại đã ngoài 70 tuổi ở Yên Bái.

Năm ngoái có lần anh có "sô" diễn ở Yên Bái nên gọi Hồ Phàm đi cùng để vừa được hát, vừa được thăm và gặp con trai đang ở cùng ông bà ngoại trên đó. Lần đó, Hồ Phàm không có quần áo biểu diễn nên anh phải cho mượn.

Cuộc đời gian truân của ca sĩ Hồ Phàm bị bắn trọng thương - Ảnh 4.

Các nghệ sĩ từng tổ chức giải bóng đá gây quỹ ủng hộ gia đình ca sĩ Hồ Phàm vào năm 2017.

Khi Hồ phàm bị bắn trọng thương, anh chị em thân thích ở xa và cũng rất nghèo nên nam ca sĩ chỉ côi cút một mình, trông chờ vào sự giúp đỡ của mọi người.

Về tình trạng sức khỏe hiện tại của Hồ Phàm, ca sĩ Ploong Thiết cho biết, hiện Hồ Phàm đã qua cơn nguy kịch. Anh đã được các bác sĩ nội soi lấy được hết máu tụ trong bụng, khoang mũi và vòm họng. Tuy nhiên, do vết thương nặng nên mắt anh hiện bị mờ, không nhìn rõ và đang phải chờ các bác sĩ hội chẩn trước khi bước vào ca phẫu thuật.

Được biết, anh trai của ca sĩ Hồ Phàm khi hay tin cũng đã lập tức đón xe khách từ Quảng Trị về Hà Nội chăm sóc em trai. Cùng với nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và một số nghệ sĩ khác, ca sĩ Ploong Thiết cũng kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ để Hồ Phàm có tiền điều trị trong lúc hoạn nạn.