Ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) cho biết, thực hiện Chỉ thị 447/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2011 đến hết năm 2019, đã xảy ra 10.552 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý được 3.221 vụ, còn tồn tại 7.331 vụ. Đây là số vụ vi phạm tồn tại rất lớn, chiếm 70%.
Cho phép xây nhà xưởng 23ha ở bãi sông trái thẩm quyền
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều diễn ra hết sức phức tạp, việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ.
"Vừa rồi, báo chí phản ánh nhiều về tình trạng xe quá tải đi trên đê ở Thanh Hóa, gây hư hỏng mặt đê. Việc này ngày 3/3/2020, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải đi trên đê tả hữu sông Chu, gây hư hỏng mặt đê.
Bộ Công an giao Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và Cục đã có văn bản gửi Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị điều tra, xác minh xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương còn chưa vào cuộc một cách chặt chẽ nên để xảy ra tình trạng và đã gây hư hỏng rất nặng" – ông Phạm Đức Luận chia sẻ.
Được biết, tuyến đê tả, hữu sông Chu đã được tỉnh Thanh Hóa đầu tư 150 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để xử lý cấp bách.
Thế nhưng, vừa nghiệm thu xong tuyến đê này đã bị xe tải "cày nát", nhiều đoạn bị biến dạng hoàn toàn, xuất hiện liên tiếp những vệt lằn, lún, bong tróc, nứt gãy trên mặt đê, có đoạn kéo dài cả vài trăm mét.
Nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng trên là do xe quá tải chở cát của các mỏ cát dọc sông Chu. Bởi, thiết kế mặt đường đê chỉ chịu tải trọng 12 tấn nhưng thường xuyên có xe chở cát có khối lượng từ 15-20m3, tổng trọng lượng khoảng 40 tấn chạy qua.
Theo ông Luận, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều tập trung chủ yếu vào các nội dung: xây dựng nhà xưởng, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều, chà xây lên tận mái đê, mặt đê; Tình trạng đổ đất phế thải, xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở dòng chảy, thoát lũ.
Việc giao đất, cho thuê đất, cấp phép cho các hoạt động liên quan ở ngoài bãi sông, ven đê và công tác quản lý chưa chặt chẽ. Một số địa phương còn cho phép hoạt động không đúng thẩm quyền, vi phạm này xảy ra khá nhiều.
Điển hình là ở Hải Phòng, Sở Xây dựng cấp phép 2 công trình rất lớn, Công ty Cổ phần Đóng tàu Thái Bình Dương xây nhà xưởng 23ha trên bãi sông và Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Minh Sơn, xây dựng nhà xưởng ở ngoài bãi sông lên tới 5.000-6.000m3; hay ở Hưng Yên, xã cho san lấp 23ha đất ngoài bãi sông để xây dựng khu đô thị tái định cư.
Xử lý hình sự vi phạm nghiêm trọng để làm gương
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, cả nước có 9.078km đê từ cấp III trở lên, trong đó cấp đặc biệt 2.700km. Thống kê cho thấy, có 230 điểm nguy cơ, uy hiếp đê điều bất cứ lúc nào. Trong khi đó, vi phạm về đê điều có xu hướng gia tăng, ngày càng nghiêm trọng và chưa được xử lý triệt để.
Mới đây, Bộ NNPTNT và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã ký chương trình phối hợp công tác, trong đó Bộ NNPTNT đề nghị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tập trung cùng với Bộ xử lý vi phạm đê điều.
Theo ông Hiệp, chúng ta xử lý rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, nhưng vi phạm vẫn còn rất tràn lan, hơn 7.400 vụ tồn đọng. Có những vụ mang yếu tố lịch sử, đến bây giờ thậm chí cảm giác không xử lý được. Đây là nguy cơ rất lớn và nguy cơ cao hơn, các vụ vi phạm về đê điều không có chiều hướng giảm.
"Vi phạm về đê điều nếu chúng ta làm không nghiêm thì đứng nói câu chuyện an toàn. Hiện nay, vì không có lũ nên cảm giác sử dụng bãi sông rất đơn giản, nhưng lũ đến, thoát lũ về đâu? Báo động cấp 3, trên cấp ba chạy vào chỗ nào? Lúc ấy, tức nước vỡ bờ, đê mà vỡ thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp.
Chúng ta đừng nhìn vào trước mắt, khai thác cát, sử dụng một số bãi sông, xây nhà mặt đê, cấp phép không đúng; Có một số nơi thu được một số kinh phí, nhưng nếu vỡ đê thì chúng ta thấy hậu quả như thế nào, cái thu ấy đủ bao nhiêu % khi xử lý hậu quả?" – ông Hiệp đặt vấn đề.
Đồng tình với việc này, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương đề xuất: "Có những vi phạm nghiêm trọng quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông theo Điều 238 Bộ luật hình sự năm 2015 cần được thụ lý hồ sơ đưa ra truy tố trước pháp luật để làm gương".
Sau hạn hán thường có mưa đặc biệt lớn
Dự báo, mùa mưa bão năm nay có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.
Mặt khác, theo nhận định của một số chuyên gia và số liệu thống kê thực tế, sau hạn hán kỷ lục thường có nguy cơ cao xảy ra mưa đặc biệt lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập trên phạm vi rộng ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
"Miền Nam Trung Quốc đang có một đợt mưa lũ lớn. Theo quy luật thì sau 1-2 tháng, Việt Nam sẽ có mưa to" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý.