Cứ vào khoảng đầu tháng 4 âm lịch cho đến khi có gió heo may, người dân sống gần bờ đê xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương lại đi câu cáy - thứ sản vật còn được xem là con "lộc trời cho".
Hiện nay, số nông dân ở vùng quê Thanh Hà, Hải Dương sống bằng nghề câu cáy không còn nhiều. Chủ yếu, người nông dân tranh thủ lúc nông nhàn để đi câu kiếm thêm thu nhập hay đơn giản là đổi bữa cho gia đình.
Những ngày đầu tháng 5 Âm lịch đang là giữa mùa cáy: cáy ra nhiều và giá cao nên mỗi ngày, người đi câu có thế kiếm được nửa triệu đồng.
Cáy là loài giáp xác, thường sống trong hang ở các bờ ruộng hoặc bờ mương, dọc bờ sông. Nắng càng to, trời càng nóng thì cáy bò ra khỏi hang tìm thức ăn càng nhiều. Nhưng bắt cáy cũng không phải dễ, bởi chúng rất nhanh, hễ hơi có tiếng động là cáy chạy vào hang. Chính vì thế mà dân gian mới ví "nhát như cáy".
"Vũ khí" của người câu cáy chính là chiếc cần câu. Chiếc cần của người câu cáy là một cây tre nhỏ, dài khoảng 2m, thêm một sợi dây chỉ gấp đôi cho bền hơn được quấn chặt ở đầu nhỏ của cây tre. Mồi câu cáy có thể là một con sâu khoai, ruột con ốc nhồi, hay tốt hơn thì miếng thịt lợn, thịt bò nho nhỏ. Người câu cáy chỉ cần chuẩn bị đầy đủ như vậy, thêm chiếc giỏ tre đeo bên hông và cái mũ rộng vành, cái nón lá là sẵn sàng lên đường “săn cáy”.
Theo những người câu cáy cho biết, không phải lúc nào câu cũng có, còn dựa vào thời tiết và con nước. Thời tiết càng nắng nóng thì cáy sẽ bò ra khỏi hang kiếm thức ăn càng nhiều nên việc câu chúng càng dễ. Còn nếu cáy no nước thì sẽ không ham mồi, câu sẽ không cắn. Cáy là loài rất háu ăn nhưng lại nhát.
Mùa hè, nước thường xuống thấp, trơ đất ra, cáy hay đào lỗ ở bờ ruộng nên chỉ cần nhìn thấy lỗ nhỏ, thả nhè nhẹ miếng mồi, vài giây sau đã thấy con cáy bò ra, cắn mồi. Kiên nhẫn chờ thêm chút cho nó cắn chặt hơn rồi từ từ nhấc miếng mồi lên kèm theo con cáy. Không cần đợi thêm, người câu nhanh chóng đưa tay bắt cáy, bỏ vào giỏ.
Cáy thường được gọi là cua càng đỏ. Cũng như cua đồng, cáy là loại thực phẩm có tính mát thường được dùng để nấu canh ăn vào mùa hè, các mùa khác thì người dân thường làm mắm cáy. Đặc biệt, món trứng cáy vào loại "hàng hiếm" có thể rang khô ăn rất ngon, lành hơn cua nên người tiêu dùng rất ưa chuộng và sử dụng nhiều.
Ông Vũ Đình Thách xã Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương cho biết: "Đi câu cáy nhiều người nói vui là con "lộc trời cho" bởi đi câu hôm nào thuận thì được không thì về chỉ vài con trong giỏ. Ngày xưa nhiều người đi câu cáy lắm nhưng đến giờ họ đi làm công ty, làm kinh tế chứ không mấy ai còn giữ nghề câu cáy. Việc làm nông nghiệp dùng nhiều thuốc trừ sâu, phân hóa học cũng làm lượng cáy giảm nhiều, không còn được như xưa".
Ông Thách chia sẻ thêm: "Nếu hôm nào "trời cho", trong khoảng 3 giờ, người câu cáy giỏi có thể câu được 2-3 kg cáy. Mỗi kg cáy giao động từ 80 đến 150 nghìn tùy thời điểm".
Với người dân Bắc Bộ, cáy là "đặc sản" mùa hè trong mâm cơm gia đình. Một bát canh cáy nấu rau đay, mùng tơi thêm dăm quả cà pháo hay đĩa rau muống luộc chấm mắm cáy tỏi cũng khiến bữa cơm trở nên ngon miệng vô cùng. Người xa quê nhiều năm sẽ thèm lắm hương vị bát canh cáy, bát mắm cáy...