Dân Việt

Thái Nguyên: Nông dân khốn khổ vì tin lời đại lý vật tư nông nghiệp phun thuốc diệt cỏ lên nương chè

Thế Bình 28/06/2020 13:18 GMT+7
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vừa xảy ra hai vụ việc liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Đó là cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp bán giống lúa chưa được khảo nghiệm tại địa phương và việc đại lý “khuyên” nông dân phun thuốc diệt cỏ trên nương chè.

Qua đây, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông dân cần nâng cao nhận thức để phát triển sản xuất.

Thái Nguyên: Nông dân khốn khổ vì tin lời đại lý vật tư nông nghiệp phun thuốc diệt cỏ lên nương chè - Ảnh 1.

Nông dân xã Tân Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) phun thuốc diệt cỏ làm cho chè không phát triển được.

Vụ xuân năm 2020, khoảng 200 hộ nông dân ở xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình cấy hơn 20 ha lúa giống Hana 112, là giống lúa chưa được khảo nghiệm tại địa phương dẫn đến mất mùa, làm cho nông dân bị thiệt hại. 

Cụ thể, trong cùng một điều kiện thời tiết, khí hậu, chế độ chăm sóc như nhau, hai thửa ruộng liền kề nhau, lúa Khang dân 18 cho năng suất 180 kg/sào, nhưng lúa Hana 112 trổ bông không đều, tỷ lệ hạt lép rất cao, năng suất chỉ đạt 20 đến 30 kg/sào.

Tìm hiểu được biết, nông dân xã Thanh Ninh tin theo khuyến cáo của hai đại lý vật tư nông nghiệp ở xã Kha Sơn và xã Thanh Ninh rằng, giống lúa Hana 112 có năng suất, chất lượng cao, do Công ty TNHH hạt giống Hana cung cấp, cho nên mua về gieo cấy vụ xuân vừa qua.

Sau khi phát hiện sự việc, UBND huyện Phú Bình chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nông dân sử dụng giống lúa Hana 112 không có trong cơ cấu giống của địa phương, chưa được khảo nghiệm trên địa bàn, đơn vị cung ứng giống phải có phương án hỗ trợ thiệt hại cho nông dân. 

Đến thời điểm này, đơn vị cung ứng giống cam kết hỗ trợ nông dân với mức 200 nghìn đồng/sào. Cơ quan chức năng huyện Phú Bình kiểm tra đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xã Kha Sơn và Thanh Ninh, phát hiện có sai phạm và xử phạt gần sáu triệu đồng.

Cũng nghe theo tư vấn của đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, một số hộ dân ở xã Tân Linh, huyện Đại Từ sử dụng thuốc diệt cỏ lúa phun lên nương chè sẽ làm cỏ chết, tiết kiệm công lao động. Tuy nhiên, sau khi phun thuốc diệt cỏ, chè không phát triển được, nông dân không có thu hoạch, ảnh hưởng đến thương hiệu chè địa phương.

Ông Vũ Văn Thơ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm 8, xã Tân Linh bức xúc: “Sau khi phun thuốc diệt cỏ, hàng chục héc-ta chè của hơn 40 hộ dân đều có tình trạng cháy lá, xoăn búp. Thậm chí, có những diện tích cây chè chết theo cỏ dại, không cho thu hoạch”...

Gia đình anh Đỗ Mạnh Thắng ở xóm 7, xã Tân Linh có gần 1 ha chè và đã phun thuốc diệt cỏ gần hết diện tích này. Sau khi phun thuốc, chè không lên búp đã ba lứa, vạt nào lên búp thì xoăn lại, không cho thu hoạch.

Giải thích vì sao trên bao bì của từng gói thuốc đã ghi rõ là thuốc diệt cỏ phun trên ruộng lúa mà bà con vẫn mua về phun trên nương chè, hầu hết nông dân xã Tân Linh đều cho biết: “Chúng tôi đã tin vào tư vấn của chủ cơ sở bán thuốc bảo vệ thực vật ở xóm 7, xã Tân Linh có tên Nguyễn Văn Viên là thuốc trừ cỏ Aly có cả công dụng trừ cỏ trên nương chè”.

 

 

Gia đình ông Bùi Đình Thơ, ở xóm 9, xã Tân Linh phun thuốc diệt cỏ trên nương chè. Cỏ dại chết, chè không nẩy búp, đến nay không cho thu hoạch hai, ba lứa. Ông Thơ chia sẻ: “Mong có loại thuốc gì làm cho chè có thể phục hồi, vì vậy khi được bên cung ứng thuốc đưa cho phân bón “Rồng Việt” và nói mang về phun sẽ giúp chè phục hồi nên tôi rất mừng”. 

Ngay sau khi nhận thuốc, ông Thơ pha chế rồi đeo bình thuốc phun “giải cứu” chè. Tuy nhiên, đang phun dở thì có người thông tin cho biết thuốc đó đã hết hạn dùng. Ông Thơ xem lại vỏ bao bì thì đúng là thuốc đã hết hạn (được sản xuất ngày 25-11-2015 và hạn sử dụng đến ngày 25-11-2018). 

Sau khi “bồi thường” bằng loại thuốc đã hết hạn sử dụng để khắc phục hậu quả, chủ cơ sở bán thuốc là ông Nguyễn Văn Viên lại phát cho ông Thơ loại phân bón lá khác có tên là BIG với công dụng: Làm tăng năng suất và chất lượng cây trồng, giúp cây trồng tăng khả năng đề kháng để kháng lại sâu bệnh hại và điều kiện bất thuận. Ông Thơ cẩn trọng tìm hiểu, lại phát hiện thuốc đã hết hạn sử dụng.


Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên, nhãn hiệu thuốc Aly India (Metsy 20WG) và Aly Alyaic 200WG có chỉ định dùng trên ruộng lúa và rừng cây cao-su. Bởi vậy, những người buôn bán, cung ứng thuốc không được phép tư vấn cho người sử dụng trên cây chè.


Qua hai vụ việc này, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Cụ thể là yêu cầu các cơ sở kinh doanh không được lưu hành các loại giống không có trong cơ cấu cây trồng, chưa được khảo nghiệm ở địa phương; loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp đã hết hạn sử dụng. Đồng thời, nông dân cần tìm hiểu, sử dụng đúng cách, đúng hướng dẫn các loại vật tư nông nghiệp nhằm tránh thiệt hại.