Ngày 29/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã đến Trường THCS Duy Tân (TP.Huế) tuyên dương và trao bằng khen cho em Phan Hoàng Phương Nhi (học sinh lớp 7/2), người đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, ông Phan Ngọc Thọ chúc mừng, đánh giá cao bức thư của em Phan Hoàng Phương Nhi khi đã gửi đi thông điệp về hạn chế sử dụng túi nylon, hộp xốp để bảo vệ sức khỏe bản thân, những người xung quanh và môi trường.
Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định bảo vệ môi trường là chủ trương mà tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua thông qua phong trào "Ngày chủ nhật xanh", "Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần". Phong trào đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, bước đầu làm thay đổi, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường.
Dịp này, ông Phan Ngọc Thọ bày tỏ mong muốn học sinh ở tỉnh phải là những chủ nhân của tương lai trong việc làm cho Thừa Thiên Huế ngày càng xanh, sạch đẹp, văn minh, là những công dân gương mẫu, đi đầu trong việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và xã hội trong công tác bảo vệ môi trường. "Khi các em nhặt rác thì sẽ có một bạn nhặt rác cùng em và bớt đi một bạn xả rác", ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Ông Phan Ngọc Thọ cũng chúc mừng và cảm ơn các thầy cô giáo đã quan tâm, dìu dắt để học sinh có được thành tích đáng tự hào. Theo ông Thọ, cần phải khẳng định được học sinh Huế là những học sinh yêu quê hương, bảo vệ quê hương, tự hào về quê hương và muốn cống hiến cho quê hương.
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức với chủ đề "Hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống". Bức thư gửi "Mệ Sương bán xôi" của em Phan Hoàng Phương Nhi đã xuất sắc vượt qua gần 600.000 bức thư để giành giải nhất quốc gia. Hiện bức thư đang được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh để gửi đi dự thi quốc tế.
Dưới đây là toàn văn bức thư đạt giải nhất của Phan Hoàng Phương Nhi:
"Ngày 5 tháng 1 năm 2020
Kính gửi mệ Sương bán xôi!
Mệ ơi, 10 năm nay con chỉ ăn sáng bằng xôi của mệ. Gần đây, con càng quý mệ hơn và gọi mệ là "mệ Sương thông thái". Hôm nay con xin gửi mệ một lá thư để lan tỏa việc làm tử tế!
Mệ Sương bán xôi đắt khách kính mến!
Xôi mệ bán ngon, sạch sẽ nức tiếng thành phố. Sáng sáng, những vá xôi nóng hổi, khói bốc nghi ngút mùi đồng quê, tay mệ thoăn thoắt cho vào hộp xôi gài cái "cạch" rồi bỏ vào túi nylon, không quên cho thêm cái muỗng nhựa. Hàng trăm đứa trẻ như con tung tăng mang vào lớp. Năm phút sau, tất cả nằm gọn trong thùng rác. Chúng con lại chờ đến sáng mai xếp hàng mua xôi, lòng thầm cảm ơn mệ bán xôi tận tâm mà không hề biết mình đang bị đầu độc.
Kính gửi mệ Sương bán xôi ế khách!
Mệ ơi, con được học trong nhà trường điều này hay lắm. Mệ biết vì sao ở Việt Nam tỷ lệ người ung thư, nhất là ở trẻ em tăng cao không? Mệ biết vì sao trẻ em nam thì nữ tính hóa, trẻ em nữ dậy thì sớm không? Có nhiều nguyên nhân ạ! Những một trong những nguyên nhân cơ bản là do ăn uống. Việt Nam là một trong năm nước đứng đầu thế giới về sử dụng xốp, nhựa bừa bãi nhất. Trong xốp, nhựa tái chế có nhiều chất DOP, chì, cadimi sẽ hòa tan khi tiếp xúc với đồ nóng chứa axit, dầu ăn hay muối.
Như vậy, mệ con mình đang tiếp tay cho bệnh tật, mệ nhỉ! Nhớ hôm mẹ dẫn con tới gặp mệ nói chuyện, con cứ sợ mệ la "trứng khôn hơn vịt". Nhưng mệ đã suy nghĩ rất lâu, rồi cầm tay con nói: "Mệ ít học, không biết điều này, mệ sẽ cố gắng thay đổi". Con biết ơn mệ vì đã nghe tâm tư, nguyện vọng của một đứa trẻ.
Rồi mệ bỏ hết tất cả hộp xốp và bao nylon, chỉ dùng lá chuối hơ lửa để gói xôi. Con rất trân trọng nhưng nhiều phụ huynh và bạn nhỏ khác khó chịu vì sự bất tiện này. Gánh xôi của mệ ế khách trông thấy nhưng mệ vẫn kiên trì dùng lá chuối gói xôi.
Thân thương gửi mệ Sương bán xôi đắt khách!
Một tuần sau mệ quay lại sử dụng túi nylon. Con buồn, mệ cũng vì đồng tiền mà bất chấp. Nhưng không, mệ bảo rằng: "Một thói quen xấu dễ hình thành nhưng rất khó sửa, bởi vậy cần có thời gian". Bước đầu, mệ thay hộp xốp bằng lá chuối, vẫn sử dụng tủi nylon xách ngoài, nhưng trong mỗi túi mệ đều bỏ thêm một lá thư do chính mệ viết, đã photo thành nhiều bản.
"Con thân mến!
Mệ bán xôi ít học nhưng mệ biết sử dụng hộp xốp và bao nylon đựng xôi nóng có hại cho sức khỏe, về lâu dài còn gây bệnh vô sinh, ung thư, ngoài ra còn ô nhiễm môi trường. Hãy cùng mệ Sương bảo vệ các con và cả thế giới. Ngày mai con phải mang theo hộp sứ, hộp nhựa để đựng xôi rồi mệ Sương giảm giá nhé!
Ký tên
Mệ Sương bán xôi".
Đọc thư của mệ, con vô cùng xúc động. Ai có thói quen xấu khi sử dụng hộp xốp hay bao bì nylon đều tan chảy trước lá thư của mệ. Quả nhiên gánh xôi mệ bán càng đắt khách hơn. Tiếng lành đồn xa, ai cũng muốn mua xôi của mẹ để được trân trọng nhận lá thư tay.
Đa số mọi người đều đồng tình, khâm phục việc làm của mệ nhưng cũng có người trề môi: "Làm thế thì được gì?". Sao lại không được gì? Trước hết mệ đã làm tốt phần việc của mình, sau đó mệ cũng thông thái lan tỏa cho nhiều người biết tự bảo vệ mình khỏi chất độc có trong hộp xốp và bao bì nylon, hơn tất cả là không tự biến mình thành "tội đồ" phá hủy môi trường của con cháu đời sau. Với con, mệ là siêu anh hùng giữa đời thường!
Con rất ngưỡng mộ mệ! Chúc mệ thật nhiều sức khỏe để tiếp tục bán xôi sạch cho chúng con!
Khách đặc biệt của mệ!".