Dân Việt

Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại:Sản xuất theo chuỗi, nông dân trồng rừng tăng thu nhập

Thu Hà 01/07/2020 11:35 GMT+7
Ngày 30/6, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức hội thảo lập kế hoạch năm 2020 chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II). Ông Mai Bắc Mỹ – Trưởng ban Hợp tác quốc tế T.Ư Hội NDVN dự và chủ trì hội thảo.

Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, doanh nghiệp và các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia Chương trình FFF II.

Cải thiện sinh kế cho người trồng rừng

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ – Trưởng ban Hợp tác quốc tế T.Ư Hội NNDVN cho biết: Được sự hỗ trợ từ Chương trình rừng và trang trại của FAO, Hội NDVN đã triển khai Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (Chương trình FFF) từ năm 2015 đến nay (giai đoạn I từ 2015-2017). Sau thành công của giai đoạn I, Hội NDVN tiếp tục được lựa chọn là đối tác chính của giai đoạn II (2019 - 2022). Chương trình đang được thực hiện tại 4 tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Hoà Bình và Sơn La (Thái Nguyên tham gia dự án nhỏ).

(Báo giấy) Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại: Sản xuất theo chuỗi, nông dân trồng rừng tăng thu nhập  - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thu Hà

"Năm 2019, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng chương trình đã đạt được những kết quả rất tích cực. Gần 3.000 nông dân trồng rừng và cán bộ Hội NDVN đã và đang được hưởng lợi từ chương trình, trong đó đáng chú ý có 37,5% người là nữ, 51% người dân tộc. Một số tổ hợp tác đã phát triển lên thành các hợp tác xã và có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất gỗ và lâm sản ngoài gỗ để đưa vào siêu thị và xuất khẩu" - ông Mai Bắc Mỹ cho biết.

Tại hội thảo, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong quá trình triển khai Chương trình FFF II năm 2019; đồng thời thảo luận thống nhất cách thức triển khai, cơ chế phối hợp thực hiện Chương trình FFF II năm 2020.

Kết quả thực hiện chương trình FFF II

năm 2019

Khảo sát địa bàn tham gia Chương trình FFF II tại 4 tỉnh, lựa chọn được 12 xã tham gia

Thành lập 12 nhóm nòng cốt tại 12 xã tham gia FFF II

Tổ chức 12 hội nghị bàn tròn cấp xã, 8 hội nghị cấp huyện, 2 hội nghị cấp tỉnh

Gần 3.000 nông dân trồng rừng và cán bộ Hội NDVN đã và đang được hưởng lợi từ chương trình.

Đánh giá cao kết quả Chương trình FFF II năm 2019, ông Lưu Văn Quảng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Chương trình FFF được Hội ND tỉnh phối hợp Ban quản lý dự án FFF T.Ư Hội NDVN triển khai giai đoạn II từ năm 2019 tại 3 xã Mỹ Phương, Yến Dương (Ba Bể), Phương Viên (Chợ Đồn). Chương trình đã làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương".

Theo ông Lưu Văn Quảng, thành công lớn nhất của chương trình là đã được các hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sản xuất. Sau khi được FFF tập huấn, các thành viên tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) tham gia chương trình đã biết cách sản xuất, tiếp cận, marketting sản xuất tại các cửa hàng, siêu thị, hội chợ.

Đơn cử như HTX Yến Dương (Ba Bể) đã tập trung sản xuất và đưa ra thị trường các đặc sản ở địa phương như bí xanh thơm, gạo nếp Tài, miến dong tráng tay và các hoạt động liên quan tới dịch vụ du lịch trải nghiệm… HTX đã tổ chức 7 nhóm hộ tham gia kinh doanh liên kết như nhóm trồng và sản xuất bí thơm cho 67 hộ liên kết với đầu ra rất thuận lợi; nhóm trồng và sản xuất lúa nếp Tài có 34 hộ tham gia... góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.

(Báo giấy) Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại: Sản xuất theo chuỗi, nông dân trồng rừng tăng thu nhập  - Ảnh 3.

Trưởng ban Hợp tác quốc tế T.Ư Hội NDVN Mai Bắc Mỹ (ngoài cùng bên trái) – thăm các gian hàng giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của các hộ nông dân tham gia Chương trình rừng và trang trại . Ảnh: T.H

Kết nối nông dân với thị trường

"Thực hiện Chương trình FFF II năm 2020, Hội NDVN tiếp tục nâng cao kiến thức kỹ thuật, quản lý chất lượng và năng lực cung cấp dịch vụ vận động chính sách, tiếp cận nguồn lực cho cán bộ Hội ND và THT, HTX như trồng rừng và chuyển hoá gỗ rừng, đa dạng hoá sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, tiếp cận tín dụng, marketing sản phẩm…".

Ông Mai Bắc Mỹ – Trưởng ban Hợp tác quốc tế T.Ư Hội NDVN

Là 1 trong những hội viên nông dân hưởng lợi từ chương trình, bà Đinh Thị Huệ (dân tộc Mường) – Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp An Sinh ở xã An Bình (Lạc Thủy, Hoà Bình) cho biết: Tham gia Chương trình FFF, các thành viên HTX được hỗ trợ triển khai thực hiện dự án "Phát triển mô hình nấm hữu cơ dưới tán rừng sử dụng mùn cưa, phụ phẩm từ chế biến gỗ để giải quyết việc làm cho các thành viên nữ là người dân tộc thiểu số". Các thành viên HTX được tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng kinh doanh và tham gia vận động chính sách; học hỏi chia sẻ kinh nghiệm với tỉnh bạn; phương pháp phân tích thị trường và phát triển kinh doanh, quản lý tài chính; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình nông lâm kết hợp. Từ đây, HTX đã tạo ra sản phẩm nấm sản xuất từ mùn cưa, trồng dưới tán rừng và xây dựng thương hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc để đưa ra thị trường. Bình quân mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường 1 tấn nấm sò nâu, với giá 40.000 đồng/kg, HTX thu về 40 triệu đồng/tháng.

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2019, các đại biểu thảo luận thống nhất Chương trình hoạt động FFF II năm 2020 sẽ tập trung thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các mạng lưới liên kết giữa THT, HTX; đẩy mạnh liên kết giữa các THT, HTX với các bên liên quan, nhất là với doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản phẩm nông nghiệp. 

img

Đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết nông dân

Thực hiện Chương trình FFF, trong thời gian qua, Hội ND tỉnh Hòa Bình đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia liên kết sản xuất, thành lập được 2 HTX, 3 THT hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, FFF Hoà Bình đã tổ chức 3 cuộc hội thảo bàn tròn tại các xã, trong đó có các ban, ngành tham gia, qua đó để các thành viên đưa ra các khó khăn và tìm giải pháp xử lý cùng sự hỗ trợ, chia sẻ của chính quyền, các ngành. Ngoài ra, các thành viên được tổ chức đi tham quan các mô hình trồng rừng, trồng nông sản hữu cơ, các mô hình chống biến đổi khí hậu để học tập. Hội ND tỉnh Hoà Bình còn chủ động tranh thủ nguồn lực từ các ban, ngành, tổ chức trong và ngoài địa phương; lồng ghép các buổi tập huấn FFF với các chương trình khác.

Bà Nguyễn Thị Hương Hải - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình

img

Thu nhập cao từ trồng rau hữu cơ

Nhờ tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất và mô hình kinh tế tập thể do Hội ND và Ban quản lý dự án Chương trình FFF tổ chức, những người nông dân chúng tôi đã biết áp dụng kỹ thuật trồng rau, củ, quả sạch, mang lại thu nhập cao hơn và liên kết sản xuất để tiêu thụ sản phẩm. HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sang được thành lập từ cuối năm 2019 với 11 thành viên trên cơ sở tổ hợp tác trồng rau an toàn hoạt động từ năm 2016. HTX hiện trồng các loại rau: Bắp cải, bí xanh, đỗ leo… với quy mô 10,5ha. Mỗi tháng HTX xuất bán ra thị trường hơn 20 tấn rau hữu cơ, doanh thu đạt hơn 140 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí của các thành viên HTX đạt từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Anh Vì Văn Tùng (dân tộc Thái) - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La).

Đức Thịnh (ghi)