Dân Việt

Thảm họa sập mỏ đá quý ở Myanmar: Ít nhất 113 người thiệt mạng và 200 người bị chôn vùi

Bảo Ngọc 02/07/2020 15:24 GMT+7
Ít nhất 103 người đã thiệt mạng và 200 người bị mắc kẹt sau khi một mỏ đá quý ngọc bích bị sập ở Hpakant, Myanmar, sáng nay.
Thảm họa sập mỏ đá quý ở Myanmar: Ít nhất 113 người thiệt mạng và 200 người bị chôn vùi  - Ảnh 1.

Hàng trăm công nhân bị vùi lấp.

Hàng trăm công nhân khai thác mỏ đá quý ở khu vực Hpakant, bang Kachin, miền bắc Myanmar đã bị chôn vùi khoảng 6h30 sáng 2/7. Theo thông báo trên Facebook của lực lượng cứu hỏa, các thợ mỏ đang khai thác đá quý tại khu vực có nhiều ngọc bích ở Hpakant thuộc bang Kachin thì bị chôn vùi bởi bùn đất do mưa lớn kéo dài nhiều ngày. 

 "Tổng cộng đã có 113 người chết. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực cứu hộ", Sở cứu hỏa thông tin. Cảnh sát địa phương nói với AFP rằng các công nhân dường như đã bất chấp cảnh báo không khai thác mỏ trong khi trời mưa.

Thảm họa sập mỏ đá quý ở Myanmar: Ít nhất 113 người thiệt mạng và 200 người bị chôn vùi  - Ảnh 2.

Mưa lớn gây ảnh hưởng đến công tác cứu hộ.

 Lực lượng cứu hộ đã làm việc cả sáng nay để trục vớt xác từ một hồ đầy bùn, dùng lốp xe làm bè để kéo xác lên bờ. Nhưng công tác cứu hộ đang gặp khó khăn vì mưa ngày càng nặng hạt.

Cảnh sát cho biết số người chết còn có thể cao hơn nếu nhà chức trách không cảnh báo người dân tránh xa các mỏ đã khai thác.

Sạt lở đất gây chết người khá phổ biến tại các mỏ đá quý ở Hpakant - nơi được cho là quản lý kém, theo Reuters. Cũng tại khu vực này, một vụ lở đất đã cướp đi sinh mạng của 116 người vào năm 2015.

Thảm họa sập mỏ đá quý ở Myanmar: Ít nhất 113 người thiệt mạng và 200 người bị chôn vùi  - Ảnh 3.

Cứu hộ đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hầm sập.

Các vụ sạt lở và tai nạn gây chết người diễn ra thường xuyên tại các mỏ đá quý tại Kpakant. Nạn nhân là lao động đến từ các cộng đồng nghèo khó, phải chấp nhận đánh đổi cả mạng sống để săn tìm đá quý.

Myanmar là một trong những nguồn đá cẩm thạch chính của thế giới và ngành công nghiệp khai thác đá tại nước này chủ yếu được thúc đẩy do nhu cầu rất lớn từ Trung Quốc.