Cận cảnh máy ép dầu lạc tại gia đình anh Đĩnh ở Nam Định.
Từng có thời gian học tập và công việc làm ổn định tại Hà Nội. Về sau, do điều kiện công việc, sinh hoạt ở nội thành gò bó, anh Đĩnh đã quyết định bỏ việc thành phố để về quê lập nghiệp với nghề ép dầu lạc.
"Ban đầu đưa ra ý tưởng về việc này, nhiều người đã cản tôi vì họ cho rằng, trên thị trường đã có hàng chục hãng dầu nổi tiếng, bán rất chạy, giá phải chăng nên sợ sản phẩm dầu lạc sau khi ra lò sẽ không cạnh tranh được. Thế nhưng, tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt đối vớ đứa con tinh thần của mình và quyết tâm thực hiện bằng được", anh Đĩnh nhớ lại.
Với số vốn hiện có và vay mượn thêm, anh Đĩnh đã bàn với vợ mua, nhập máy ép dầu lạc hiện đại về làm nghề. "Khi đưa máy về nhà, trong lòng lo lắng không yên song để các thành viên trong gia đình an tâm, tôi bắt tay ngay vào việc, ra chợ tìm mua nguyên liệu sạch về ép thử và sản phẩm ra lò đã được người tiêu dùng đón nhận.
Nhất là thời gian gần đây, thông tin về nhiều sản phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường khiến cơ sở của tôi càng thu hút đông khách hơn", anh Đĩnh chia sẻ.
Để đưa sản phẩm vươn xa hơn, anh Đĩnh đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm với tên "Dầu lạc An nhiên", tên cô con gái đầu của anh, chị với mong muốn "an nhiên là nơi khởi điểm của hạnh phúc, là món quà quý giá dành cho mọi người".
Sau một thời gian khá dài gặp khó khăn, đến giờ vợ chồng anh Đĩnh đã tự tin sản xuất và cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, chủ yếu là thị trường Hà Nội và TP.HCM.
Chỉ sau 2 năm vào nghề đến nay gia đình anh Đĩnh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện, vợ chồng anh Đĩnh đang có dự định đầu tư mua thêm máy móc hiện đại để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sản lượng phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong cả nước.
Chia sẻ thêm về quy trình ép dầu lạc, anh Đĩnh cho biết, công việc đầu tiên là phải chọn nguyên liệu sạch (lạc không dùng thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không phân bón hóa học), loại bỏ hạt lạc mốc, lép. Nếu cho hạt bị hỏng vào ép sẽ làm máy bị dính, cháy mùi khét làm hỏng cả mẻ lạc nên công đoạn loại bỏ hạt xấu rất quan trọng.
Tiếp đến đưa lạc vào khay và bật công tắc, điều chỉnh chế độ hoạt động phù hợp, chừng 15-20 phút lạc được rang chín rồi chuyển sang bộ phận ép. Nửa tiếng sau, lạc cho ra những giọt dầu nguyên chất vàng ươm, đặc quánh chảy xuống thùng lắng cặn làm bằng inox. Phần bã có hình như chiếc bánh đa thu nhỏ sẽ được phân loại trong thùng chứa khác và được bán cho nhà vườn bón cho cây ăn quả hoặc chăn nuôi.
Bên cạnh việc sản xuất của gia đình, anh Đĩnh còn nhận ép dầu lạc thuê cho bà con nông dân trong khu vực, với giá thành rất rẻ từ 3.000 – 4.000 đồng/kg lạc.
Bên cạnh việc ép dầu lạc, anh Đĩnh đã và đang thử sức, nhận ép thêm các loại nông sản khác như mè, hạt óc chó, đậu nành,… và bước đầu rất hiệu quả.