Cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Bộ Công Thương đều thống nhất duy trì cơ chế đối thoại mở với cộng đồng doanh nghiệp và chủ động kế hoạch thực thi EVFTA.
Doanh nghiệp còn bị động
Ông Đặng Hoàng Giang – Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, các doanh nghiệp ở EU nắm bắt thông tin EVFTA từ rất lâu. Họ cũng đã qua Việt Nam liên doanh, liên kết mở nhà máy chế biến để cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước ngay thị trường nội địa.
"Điều quan trọng là cả cấp bộ ngành Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải cùng đồng lòng nhận diện các cơ hội lẫn thách thức. Chỉ khi có chung niềm tin, cùng khắc phục khó khăn, chúng ta sẽ đi tới chiến thắng".
Bộ trưởng BỘ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường
Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước chủ động mở các cơ sở hoặc liên doanh liên kết với các bạn hàng ở EU để đưa hàng trực tiếp vào đây.
Thêm nữa, phần lớn mặt hàng xuất khẩu của ngành hiện nay là sơ chế. Các vấn đề về rào cản kỹ thuật với hàng sơ chế của EU còn tương đối cởi mở. "Tuy nhiên, khi đối đầu trực diện các đối thủ trong khuôn khổ EVFTA, các hàng rào kỹ thuật sẽ cao hơn" - ông Giang nói.
Trái ngược với các loại nông sản khác, ngành điều có năng lực chế biến tốt nhưng khâu nguyên liệu trong nước vẫn chưa thể tự chủ. Năng lực chế biến của toàn ngành là 2 triệu tấn, trong khi sản lượng trong nước chỉ mới đáp ứng 300.000-400.000 tấn. Cái khó nữa là cây điều đang bị cạnh tranh gay gắt với các cây trồng chủ lực khác. Giải pháp để tăng diện tích trong thời gian ngắn khá khó.
Dù ngành điều đã chủ động mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất ở Campuchia nhưng giải pháp căn cơ vẫn là chủ động nguồn nguyên liệu trong nước. "Vinacas sẵn sàng đồng hành và rất cần ngành nông nghiệp có giải pháp, quy hoạch nâng cao năng suất, chất lượng hạt điều" - ông Giang nói.
Theo các chuyên gia của châu Âu, lợi ích từ EVFTA với nhóm ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam là rất nhiều, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Quan trọng là đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu cao khi các hàng rào kỹ thuật gia tăng. Người tiêu dùng cũng đòi hỏi chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Ngoài ra, một số sản phẩm nông sản của Việt Nam trên thực tế chưa có sức cạnh tranh với sản phẩm các nước cùng khu vực. Nguyên nhân chính do khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm còn nhiều hạn chế, làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm. Hầu hết hàng hóa phải xuất khẩu dưới dạng sản phẩm sơ chế, đóng trong bao bì lớn, không có thương hiệu nên giá rất thấp, dẫn đến việc người sản xuất, kinh doanh chịu rất nhiều thua thiệt.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp
Tại một hội nghị mới đây ở Viện Lúa ĐBSCL, Bộ NNPTNT đã tổ chức lấy ý kiến để xây dựng nghị định về cấp chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Trung An thừa nhận, đến giờ vẫn chưa rõ các thủ tục để tham gia EVFTA.
Biết rõ giá trị sẽ rất lớn khi xuất được gạo vào EU nhưng cái doanh nghiệp cần lúc này là quy trình cụ thể đối với các thủ tục pháp lý. Đến ngày 1/8, EVFTA sẽ có hiệu lực nhưng nhiều doanh nghiệp đang lúng túng để có bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cho lô gạo xuất khẩu vào EU.
"Không khéo, các doanh nghiệp không thể xuất khẩu hết 80.000 tấn gạo mà EU đã cấp hạn ngạch cho Việt Nam trong năm 2020" - ông Bình lo lắng.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ Trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc mở cửa cho mặt hàng gạo là khá nhạy cảm trong chính sách thương mại của EU. Tuy nhiên Việt Nam và EU đã thống nhất một yêu cầu quan trọng là chỉ chủng loại, chất lượng gạo phù hợp yêu cầu của EU mới được cấp phép. Và phải có sự xác nhận của cấp nhà nước, cụ thể là cả Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT.
Việc 2 bộ thống nhất xây dựng nghị định hướng dẫn đăng ký và cấp xác nhận là để tránh xảy ra tranh chấp với các nhà nhập khẩu của thị trường EU cũng như hiệp hội gạo các nước. Bộ Công Thương hy vọng sẽ sớm hoàn thiện để kịp thời hạn thực thi vào ngày 1/8.
"Nếu không kịp, Bộ sẽ tham vấn EU để xin cơ chế tạm thời, giải quyết nhu cầu xuất khẩu các lô hàng gạo đầu tiên vào EU" - ông Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, Bộ sẵn sàng hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp để đảm bảo việc thực thi EVFTA được kịp thời và hiệu quả. Với ngành điều, Bộ đang xây dựng đề án bộ giống cho năng cao và thay đổi toàn bộ quy trình canh tác, đảm bảo nguyên liệu ổn định cho chế biến.
Chia sẻ những vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Cường cho biết, việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời gian này rất đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19. Cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực thời gian qua và tiếp tục đóng vai trò quan trọng sắp tới.
Tuy nhiên, thời gian còn lại là rất ngắn. Cả Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đều thống nhất duy trì cơ chế đối thoại mở với cộng đồng doanh nghiệp và chủ động kế hoạch thực thi EVFTA.