Ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc buôn bán tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua có nhiều khoảng thời gian bị gián đoạn.
Thậm chí theo anh D.V.L. (Thanh Xuân, Hà Nội), một người chuyên nhập hàng Trung Quốc thì, sau dịch bên Trung Quốc có lập máy quét ở biên giới. Hàng giả đều không đi qua được.
“Có nhiều xưởng bên đó còn không được sản xuất hàng giả nữa nên không có hàng để xuất. Phía Việt Nam cũng làm chặt hơn nên rất ít cơ hội đi hàng”, anh L nói.
Cũng theo anh L, hàng rất khó đi nhưng nếu khách đặt số lượng lớn thì vẫn có nơi nhận. Song, nếu giá đi hàng bình thường chỉ 18 nghìn đồng/kg, thì hàng giả sẽ mất 25 nghìn đồng/kg.
Hàng theo anh L kể sẽ được vác qua đồi hoặc đi đò. Hàng giả công nghệ, mỹ phẩm đợt này rất khó đi, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Nên sau đợt này, có thể hàng giả sẽ giảm rất nhiều. Hàng hiện vẫn rao bán trên mạng có thể là hàng tồn, hoặc của các mối lớn vẫn còn”, anh L cho hay.
Theo một dân buôn hàng Trung Quốc khác, thì thời điểm này, các loại quần áo, giày dép, đồ công nghệ,…muốn qua được biên giới thì không được là hàng giả.
Đồ chơi công nghệ nhái giá siêu rẻ
Thay vì bỏ hàng chục triệu đồng để sở hữu những chiếc Apple Watch, hay vài triệu đồng cho một chiếc tai nghe Bluetooth, thì người dùng chỉ mất 100 - 200 nghìn đồng. Mà kiểu dáng, tính năng cũng gần được như hàng thật.
Vì thế, các đồng hồ nhái Apple Watch như T500, y68 đang bán rất tốt ở Việt Nam. Loại đồng hồ nhái này nhìn rất giống hàng “xịn”. Đều có kết nối Bluetooth, dây sạc và tính năng như của Apple.
Tuy nhiên, theo anh Việt Hải (Hoàn Kiếm, Hà Nội), một người đã mua chiếc đồng hồ này thì, nó dùng khá chậm. Dùng một thời gian ngắn, đồng hồ sẽ có dấu hiệu giật, lag. Chưa kể lớp sơn chất lượng cũng không được tốt.
“Tuy nhiên, so với cái giá hơn 200 nghìn đồng thì chất lượng cũng chỉ được như vậy. Khi mua tôi cũng đã xác định từ đầu”, anh Hải nói.
Giá nhập chỉ hơn 200 nghìn đồng cho một chiếc đồng hồ thông minh chưa phải là giá rẻ nhất. Có những chiếc đồng hồ giá chỉ chưa tới 100 nghìn đồng. Giá bán lẻ ngoài thị trường sẽ tùy thuộc vào từng nơi, nhưng cũng dao động trong khoảng từ 250 - 500 nghìn đồng.
Ngoài đồng hồ thông minh thì tai nghe Bluetooth đang là mặt hàng được nhiều bạn trẻ tìm mua nhiều bởi vẻ ngoài sành điệu và thời thượng. Nó có vẻ ngoài rất giống tai nghe không dây của Apple.
Giá bán lẻ của chúng chỉ dao động từ 140 - 230 nghìn đồng. Thậm chí, nó còn rẻ hơn cả một chiếc tai nghe có dây.
Tuy vậy, với nhiều bạn trẻ còn là học sinh, một chiếc tai nghe không dây nhái vẫn “đẳng cấp” hơn tai nghe có dây. Vì thế, theo chị H.A. (Bắc Giang), một tháng cửa hàng của chị bán cả trăm cái tai nghe không dây.
Đối tượng mua hàng của chị H.A đa phần là học sinh, từ cấp 1 đến cấp 3. Vì số tiền để bỏ ra mua loại tai nghe này chỉ bằng 2 - 3 cốc trà sữa.
“Dùng hết thời gian bảo hành của cửa hàng mà hỏng, các em sẵn sàng bỏ tiền ra mua cái mới mà không cần suy nghĩ”, chị H.A nói.
Hiện nay, nhiều đối tượng đang đánh vào tâm lý thích dùng hàng công nghệ cao giá rẻ của nhiều người để lừa đảo. Theo đó, trên các video quảng cáo bán hàng, hình ảnh của sản phẩm là thật, nhưng giao tới tay người dùng lại là hàng nhái.
Nhưng do giá trị đơn hàng thấp, nên nhiều người đành ngậm ngùi cho qua. Đây cũng chính là điểm yếu mà các đối tượng lừa đảo tận dùng để làm ăn.
Nghi vấn cắt mác hàng Trung Quốc: Kiểm tra chuỗi cửa hàng SEVEN.am