Từ một đàn gà con của gia đình, sau nhiều năm gây dựng, đến nay anh Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn (Hùng Nhơn Group, tỉnh Bình Phước) đã trở thành tỷ phú với những trại gà quy mô lớn nhất nhì cả nước.
Không chỉ thế, anh còn gặt hái thành công khi tham gia chuỗi liên kết xuất khẩu gà sang thị trường Nhật Bản và đang rót vốn cùng Tập đoàn De Heus đầu tư dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao lớn nhất khu vực Tây Nguyên.
Tư duy khác về làm nông nghiệp
Anh Vũ Mạnh Hùng cho biết, anh đang sở hữu những trang trại nuôi gà lớn nhất, hiện đại nhất tỉnh Bình Phước, với tổng đàn lên tới khoảng 3 triệu con gà thịt công nghiệp, 320.000 con gà đẻ. Ngoài ra, anh còn có Nhà máy sản xuất phân bón Đồng Phú có công suất 40.000 tấn/năm, 500ha cao su cùng 1 trang trại chăn nuôi lợn nái gần 10.000 con.
Tập đoàn Hùng Nhơn do anh làm Chủ tịch HĐQT hiện là 1 trong 3 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến thịt gà xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với sản lượng từ 800 - 1.000 tấn mỗi tháng. Anh Hùng cũng là chủ 1 đại lý kinh doanh ô tô ở TP.Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý là năm 2019, khi "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, lan rộng khắp cả nước thì Tập đoàn Hùng Nhơn đã làm một chuyện khá ngược đời. Đó là rót vốn cùng Tập đoàn De Heus (Hà Lan) thành lập Công ty cổ phần Phát triển lợn giống cao sản DHN tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk.
Theo đó 2 doanh nghiệp sẽ cùng đầu tư xây dựng hệ thống trang trại nuôi lợn hiện đại theo công nghệ 4.0, với quy mô khoảng 2.400 con lợn cụ kị và ông bà. Đây cũng là dự án chăn nuôi lợn lớn nhất khu vực Tây Nguyên hiện nay. Lợn cụ kị, ông bà sẽ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan để tạo ra các giống lợn ông bà và bố mẹ, bảo đảm nguồn lợn giống tốt cung cấp cho thị trường chăn nuôi lợn.
Anh Hùng cho biết, dự án này đang chuẩn bị khởi công vào tháng 8/2020, tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Anh Hùng chia sẻ: "Nhiều người nói chúng tôi mạo hiểm, ai lại đi bỏ cả đống tiền vào nuôi lợn giữa thời buổi dịch tả lợn châu Phi còn đang diễn biến phức tạp. Tôi thì nghĩ khác, đúng là có mạo hiểm, dịch tả lợn châu Phi có sức tàn phá chẳng khác nào một cơn bão, nhưng nếu chúng ta đi đúng vào tâm bão thì sẽ tồn tại. Tôi tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng, và trong khó khăn sẽ có cơ hội".
"Thực tế cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng. Hiện thị trường chăn nuôi đang có nhu cầu lớn về giống lợn khoẻ mạnh, sạch bệnh, có năng suất sinh sản cao và chất lượng tốt. Sau mỗi đợt dịch bệnh, người ta càng thấy tầm quan trọng của việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh" – anh Hùng phân tích.
Thêm vào đó, anh Hùng tin rằng khi đã chọn được hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp, đó là áp dụng công nghệ 4.0, cùng với sự hỗ trợ của Bộ NNPTNT, chính quyền địa phương, chắc chắn dịch tả lợn châu Phi hay các dịch bệnh khác cũng sẽ dần được đẩy lùi.
"Tôi cho rằng các doanh nghiệp, người nông dân muốn tồn tại phải có sự liên kết, tương trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp khác để xây dựng thành chuỗi sản xuất hàng nông sản chất lượng cao" - anh Hùng cho biết.
Vượt qua thất bại bằng những cái "bắt tay"
Chia sẻ quan điểm về ngành nông nghiệp, anh Hùng cho rằng đây là lĩnh vực vất vả, nhiều rủi ro nhất trong tất cả các nghề. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, không đi tắt đón đầu liên kết chuỗi, không định hướng được sản phẩm tới tay người tiêu dùng một cách tốt nhất thì rất khó để tồn tại.
"Nhờ liên kết sản xuất, chúng tôi đã giảm được giá thành chăn nuôi, ngang bằng với giá thành sản xuất của các nước chăn nuôi tiên tiến trong khu vực như Thái Lan và có thể tự tin cạnh tranh khi bước ra thế giới".
Anh Vũ Mạnh Hùng
Anh Hùng kể: "Tôi khởi nghiệp với nghề chăn nuôi gà từ những năm 1997-1998. Năm 2001, tôi nếm trải thất bại cay đắng vì gặp dịch cúm gia cầm. Toàn bộ gà trong trang trại phải đem chôn, cơ ngơi sự nghiệp đổ hết xuống sông xuống biển. Lúc đó, rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi gà của Việt Nam lâm cảnh khốn khổ, hoặc bị phá sản, chỉ còn các doanh nghiệp FDI là cầm cự tốt. Chính điều đó làm chúng tôi trăn trở. Tôi đã rà soát lại toàn bộ quy trình chăn nuôi, đồng thời đi tham quan, học hỏi, tìm kiếm giải pháp mới để cải thiện và nâng cao quy trình chăm sóc đàn gà.
Chúng tôi rút ra một điều, do thân nhiệt con gà nóng nên tôi đã quyết định vay tiền tỷ đầu tư trang trại gà lạnh đầu tiên mang tên Thủy Thảo, tự động hoá 100%, gần như bàn tay con người không phải động vào. Từ đó đến nay các trang trại của tôi đều quản lý tốt vấn đề dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi tăng rõ rệt".
Vừa làm vừa trả nợ, tăng quy mô đàn gà thịt, đến năm 2010, anh Hùng xây dựng thêm một trại gà đẻ quy mô 320.000 con. Để giải quyết nguồn phân gà thải ra, anh đã đầu tư xây dựng nhà máy phân bón hữu cơ Đồng Phú (trị giá 40 tỷ đồng). Thời điểm năm 2013, tổng tài sản của gia đình anh đã lên đến hơn 500 tỷ đồng.
Nhưng dường như điều đó vẫn không làm anh hài lòng, anh khát khao đưa sản phẩm thịt gà của mình vươn ra thị trường châu lục. Những bước đi bài bản đã giúp việc chăn nuôi gà của anh liên tiếp gặt hái thành công, trở thành đối tác đầu tiên ở Bình Dương cung ứng thịt gà cho chuỗi xuất khẩu gà sang thị trường Nhật Bản cùng với Bell Gà, Tập đoàn De Heus.
"Hiện Hùng Nhơn đã lớn mạnh trở thành tập đoàn với 10 công ty con, trong đó ngoài 90% đầu tư cho chăn nuôi, chúng tôi còn làm thêm ngành nghề khác như kinh doanh ô tô, nuôi lợn, nuôi bò. Có lẽ đó là cái duyên của tôi đối với ngành nông nghiệp, luôn đam mê, trăn trở về nó và luôn muốn tìm cách làm cho đàn gà của mình lớn hơn nữa" - anh Hùng cho biết.
Trải qua hơn 10 năm hoạt động, Hùng Nhơn đã trở thành một Tập đoàn với nhiều lĩnh vực kinh doanh. Trrong đó, trại gà thịt với 20 trang trại được xây dựng trên diện tích 20ha, cung cấp cho thị trường 3 triệu con gà/năm.
Trại gà đẻ trứng với 8 trang trại, xây dựng trên diện tích 7ha cung cấp ra thị trường 1 năm 130 triệu quả trứng. Trại nuôi heo sạch với 48 trang trại được xây dựng trên diện tích 100ha, cung cấp ra thị trường 9.600 con heo nái và 250.000 con heo giống. Nhà máy phân bón Đồng Phú được xây dựng trên diện tích 4 ha cho công suất 40.000 tấn hằng năm.