Hàng loạt câu hỏi từ bản ảnh hiện trường
Trong đơn kêu oan vừa được gửi đến Chủ tịch nước, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Chánh án TAND Tối cao, luật sư Trần Hồng Phong - người hỗ trợ pháp lý cho gia đình Hồ Duy Hải - cho biết, thời gian gần đây, ông đã tiếp nhận được nhiều tài liệu, bản ảnh mới.
Qua xem xét, đối chiếu nội dung, ông cho rằng đây là những tài liệu có thật, đã được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An thực hiện trong giai đoạn điều tra, đã được VKSND tỉnh Long An đánh số bút lục. Tuy nhiên sau đó đã bị rút, không đưa vào hồ sơ tố tụng chính thức.
Trong đơn lần này, luật sư Trần Hồng Phong cho biết, bộ ảnh chụp hiện trường ngay tại vị trí có xác hai nạn nhân cho thấy một chiếc bếp dầu bị bung tất cả các bộ phận: Nắp chụp trên văng trên mặt bàn ăn, các vòng chụp (gồm 3 cái) rơi rải rác trên nền nhà; dưới nền nhà dầu, cặn dầu chảy lênh láng, dính lên người hai nạn nhân.
Thế nhưng chiếc bếp dầu lại ở vị trí đứng ngay ngắn, không nghiêng (để có thể gây chảy dầu). Điều này cho thấy phải có ai đó dựng lại chiếc bếp dầu trước đó đã bị đổ ngã. Việc này Hồ Duy Hải không có lời khai nào và cũng chưa được CQĐT làm rõ.
Tiếp đến, theo luật sư Phong, cửa lên lầu 1 của Bưu cục Cầu Voi không thể ở trong tình trạng "khóa chết" không ai ra vào được, khi mà bưu cục hoạt động bình thường, bên trong lại có đặt máy móc, thiết bị, điện, bồn nước trên mái nhà, có lan can và bên dưới có người ở.
Chính vì vậy, việc khi khám nghiệm hiện trường ngày 14/1/2008 CQĐT không lên lầu 1, mà chỉ ghi đơn giản trong biên bản là "cửa khóa, không có dấu cạy phá, bên trên để máy móc thiết bị" là có thể bỏ lọt dấu vết tội phạm.
Theo vị luật sư, trong bản ảnh chụp hiện trường ngày 14/1/2020 mới xuất hiện, đã cho thấy điều ông nghi vấn là có cơ sở. Đó là trên lầu 1 đêm 13/1/2008 đã có người, cửa mở.
So sánh với ảnh do chính mình chụp năm 2012, luật sư Phong phát hiện ra rằng cánh cửa "khóa" mà CQĐT ghi trong Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 14/1/2008 thực ra là một cửa giả (dùng để lấy sáng và quay ngang hông nhà). Cửa đi vào lầu 1 hoàn toàn không khóa.
Trong đơn lần này, luật sư Phong còn muốn làm rõ về việc ai đã cúp điện và khép 2 cánh cổng Bưu cục Cầu Voi trong đêm 13/1/2008. Vì sáng 14/1/2008 khi CQĐT đến khám nghiệm hiện trường thì tại bưu cục cúp điện, nước trong vòi lavabo hết. Vậy ai đã cúp điện trong đêm?
Thêm nữa, tại Biên bản lấy lời khai ngày 26/9/2011 (do VKSNDTC vào xác minh), theo lời trình bày của anh Phùng Phụng Hiếu, người đầu tiên ghé vào Bưu cục Cầu Voi lúc 7h sáng 14/1/2008 (để giao báo) thì hai cánh cổng bưu cục ở trạng thái khép.
Trong khi đó, Hồ Duy Hải không có lời khai nào về việc đóng cổng bưu cục sau khi gây án. Quá trình thực nghiệm điều tra cũng không hề ghi nhận Hải đã đóng cổng sau khi "gây án" mà chỉ dắt xe máy ra cổng, chạy về nhà. Vậy ai đã đóng 2 cánh cổng bưu cục trong đêm 13/1/2008?
Tiếp tục muốn làm rõ Nguyễn Văn Nghị là ai?
Cuối đơn, luật sư Trần Hồng Phong tiếp tục muốn làm rõ đối tượng Nguyễn Văn Nghị là ai. Theo luật sư, Nghị là người mà ngay sau khi vụ án xảy ra, báo chí đưa tin đây chính là nghi can số 1, là bạn trai của nữ nạn nhân Ánh Hồng và đã bị CQĐT tạm giữ, lấy lời khai. Tuy nhiên sau đó, trong hồ sơ vụ án hầu như không có bất kỳ một thông tin nào về người này.
Từ năm 2015, gia đình Hồ Duy Hải có đơn tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị, vì hàng loạt dấu hiệu liên quan hoặc ít nhất cũng là nhân chứng rất quan trọng trong vụ án. Tuy nhiên, Công an tỉnh Long An chỉ trả lời đơn giản là: Không có ai là Nguyễn Văn Nghị mà chỉ có một người tên là Nguyễn Hữu Nghị và người này không liên quan gì đến vụ án.
Tuy nhiên, trong Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 của VKSNDTC đã nêu rõ: "Đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol chưa được làm rõ".
Tại phiên giám đốc thẩm vừa qua, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An đều trình bày và xác định có đối tượng Nguyễn Văn Nghị (CQĐT có lấy lời khai, so sánh dấu vân tay, nhưng cho rằng không có chứng cứ xác định là nghi can nên không đưa vào hồ sơ vụ án!?). Ngay trong Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao cũng nêu tên đối tượng Nguyễn Văn Nghị. Như vậy, có thể khẳng định Nguyễn Văn Nghị là một nhân vật có thật.
Ngoài ra, cũng không có bất kỳ bằng chứng nào thể hiện Nguyễn Văn Nghị là người có tên Nguyễn Hữu Nghị hiện nay. Nếu Nguyễn Văn Nghị là Nguyễn Hữu Nghị, vậy tại sao tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 6-8/5/2020 vừa qua, CQĐT công an tỉnh Long An không nêu vấn đề này, mà vẫn cung cấp thông tin và trình bày về đối tượng có tên là Nguyễn Văn Nghị?
Như vậy, rõ ràng tình tiết về một người có tên là Nguyễn Văn Nghị là mới - đã lần đầu tiên được chính thức nêu tên trong Quyết định giám đốc thẩm.
"Hiện nay trong hồ sơ vụ án mà chúng tôi tiếp cận chưa hề có bất kỳ một bản khai hay xác minh nào về nhân vật này. Điều này là rất bất thường và cũng là bằng chứng thể hiện việc làm sai lệch hồ sơ vụ án" - luật sư Phong diễn giải.