Những lớp đào tạo nghề của Trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề nông dân, phù hợp xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ mô hình trồng lúa sang mô hình trồng các loại cây ăn trái, mang lại giá trị kinh tế…
Trong năm 2020, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân dự kiến sẽ tổ chức 30 lớp dạy nghề cho nông dân căn cứ trên tổng số 18 ngành nghề trên lĩnh vực nông nghiệp được Sở LĐTBXH cấp phép.
Các lớp dạy nghề tập trung vào lĩnh vực: Chăn nuôi bò, kỹ thuật trồng và thiết kế vườn, kỹ thuật trồng lúa, kỹ thuật trồng rau màu, kỹ thuật phun thuốc và sữa chữa máy phun thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật trồng nấm, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Theo đó, với xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng cây ăn trái. Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề kỹ thuật trồng và thiết kế vườn cho nông dân các huyện, thị xã, thành phố…
Để đáp ứng nhu cầu dạy và học cho nông dân, trước khi tổ chức lớp dạy nghề, Trung tâm đều có bước khảo sát ban đầu về nhu cầu học nghề của nông dân, cùng với việc lựa chọn giảng viên giảng dạy, là những cán bộ kỹ thuật địa phương, hoặc cán bộ Trường Đại học có nhiều kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong tổ chức lớp.
Học viên tham dự nếu là 1 trong 4 nhóm thuộc: Hộ thuộc gia đình nghèo, cận nghèo; hộ dân tộc thiểu số; hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và hộ gia đình có công cách mạng sẽ được hỗ trợ tiền, theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh học lý thuyết, học viên sẽ được tham gia thực hành mô hình trong quá trình tập huấn; kết thúc mỗi lớp học, Trung tâm cấp chứng chỉ nghề cho các học viên.
Thời gian qua, các lớp dạy nghề cho nông dân do Trung tâm tổ chức, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề phù hợp yêu cầu, nguyện vọng; giúp nông dân nâng cao kiến thức, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn góp phần nâng cao giá trị, chất lượng hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường và cải thiện thu nhập nông dân…
Các lớp dạy nghề còn được cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ và quan tâm theo dõi, chỉ đạo, vì chỉ tiêu đào tạo nghề nông dân cũng là một trong những tiêu chí để xét chọn đơn vị xã, phường đạt chuẩn nông thôn mới hiện nay.
Thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội ND tỉnh tiếp tục mở rộng các hoạt động dịch vụ, gắn kết với các công ty, doanh nghiệp trong hỗ trợ đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và giới thiệu đầu ra trong việc tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân.