Lớp học được khai giảng tại Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 (CMARD2), vào ngày 6/7 ở TP.Hồ Chí Minh, do đích thân Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đứng lớp giảng dạy.
TS. Đinh Công Tiến – Hiệu trưởng Trường CMARD2 cho biết, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo HTX là có thật và nhu cầu hiện nay rất lớn.
Lớp học này nhận được đăng ký của hơn 100 học viên, đến từ khắp các tỉnh, thành khu vực phía Nam, hiện đang tiếp nhận giảng dạy cho 80 học viên chính thức.
"Việc đích thân Thứ trưởng Bộ NNPTNT trực tiếp giảng dạy thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với lĩnh vực này", TS. Tiến nói.
Trên thực tế, chương trình đào tạo giám đốc HTX đã được CMARD2 triển khai giảng dạy từ lâu. Tuy nhiên, theo TS. Tiến, một chương trình theo kiểu đào tạo nghề, có cấp chứng chỉ nghề sơ cấp mà Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chủ trì là hoàn toàn khác biệt.
Lớp học tại CMARD2 là lớp học thứ 2 triển, khai ở phía Nam, tiếp nối từ lớp đào tạo giám đốc HTX nông nghiệp do trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên khai giảng hồi giữa tháng 6.
PGS. TS. Trần Văn Điền - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên cho biết: Lớp học sẽ giúp các học viên có kiến thức nền tảng về luật HTX, về cách thức tổ chức sao cho đúng, quản lý tài chính, xây dựng phương án sản xuất, cách huy động cộng đồng tham gia...
Các học viên sẽ được thực hành tại các HTX nông nghiệp để rút ra bài học về những điểm mạnh, điểm yếu trong cách thức vận hành.
"Chính các sinh viên sau khi học xong chứng chỉ cũng có thể đi xin việc ở các HTX hoặc tự gầy dựng HTX trên chính quê hương họ", TS. Điền khẳng định.
Ông Trần Văn Tuấn kể, năm nay ông đã 72 tuổi, là một trong những học viên lớn tuổi trong lớp học. Ông Tuấn hiện là giám đốc HTX thanh long hội quán ở Đồng Tháp. Bản thân ông đã nghe nói về lớp học này và mong muốn chương trình sớm triển khai ở địa phương.
"Được tham dự khóa học là cơ hội để nắm vững hơn về kiến thức và đặc biệt giúp giải quyết những tình huống thực tế trong quản trị HTX hiện nay", ông Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, đào tạo giám đốc HTX nông nghiệp là nội dung mới, hướng tới việc coi giám đốc HTX nông nghiệp là một ngành nghề thực thụ.
Khóa học này sẽ kéo dài trong 3 tháng. Việc xây dựng chương trình chuẩn không thể do Bộ tự nghĩ ra mà gắn liền với thực tiễn từ các học viên trong quá trình giảng dạy.
"Ngay bản thân tôi hiểu vấn đề của HTX nhưng bảo tôi điều hành thì chưa chắc tốt bằng các học viên" - Thứ trưởng nói.
Theo Bộ NNPTNT, cả nước có hơn 16.000 HTX. Tuy nhiên, năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu. Vẫn đang có 38% số cán bộ quản lý các HTX chưa qua đào tạo bằng cấp, chuyên môn nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao.
Những người làm giám đốc HTX hiện nay có trình độ rất đa dạng, thậm chí chỉ đi lên từ kinh nghiệm thực tế. Họ thiếu kiến thức nền tảng để quản trị HTX trong khi HTX có cách thức hoạt động không khác mấy với doanh nghiệp.
Ngoài lý thuyết, chương trình sẽ tăng cường các hoạt động đối thoại, giao lưu thực tế để giảm bớt tính lý luận. Khóa học được vận hạnh với sự tham gia của đội ngũ giảng viên trong các trường nghề và chính các học viên đang là giám đốc HTX.
"Sau 2 lớp thí điểm ở Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và CMARD2, Bộ NNPTNT sẽ chủ trì thống nhất chương trình chuẩn để mở rộng triển khai trên cả nước", Thứ trưởng Nam chia sẻ.